Author Archives: admin

CUNG ỨNG NGUYÊN VẬT LIỆU ĐẦU VÀO PHỤC VỤ SẢN XUẤT TẠI HTX DVNN BÌNH TRIỀU

CUNG ỨNG NGUYÊN VẬT LIỆU ĐẦU VÀO PHỤC VỤ SẢN XUẤT TẠI  HTX DVNN  BÌNH TRIỀU

Nhằm khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động để cung ứng phân bón đầu vào cho HTX, chiều ngày 25/4/2023, Công ty TNHH MTV Thương mại và đầu tư Kinh tế hợp tác chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên đã có buổi làm việc tại HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Bình Triều, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Quang cảnh HTX DVNN Bình Triều

Tham dự buổi làm việc có ông Ung Ngọc Chỏ, Phó Giám đốc chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên Công ty CETIC; ông Lê Ngọc Trung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam; ông Trương Ký Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, đại diện cán bộ Công ty CETIC, HĐQT, KSV HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Bình Triều.

Quang cảnh làm việc tại HTX DVNN Bình Triều

Ông Trương Ký Thành, đại diện lãnh đạo HTX Dịch vụ  Nông Nghiệp Bình Triều giới thiệu sơ lược một số thông tin và định hướng phát triển của HTX, (diện tích, quy trình trồng trọt, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm…), đặc biệt là dự án chuỗi liên kết trồng khoai Môn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Đồng Nai. Qua đó, đề xuất Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ về công tác tư vấn, các chính sách liên quan phát triển chuỗi giá trị, Công ty có phương án liên kết với HTX trong cung ứng đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, cùng với HTX phát triển chuỗi đến các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh lân cận.

Tại buổi làm việc, ông Ung Ngọc Chỏ, Phó Giám đốc chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên Công ty CETIC đã giới thiệu một số thông tin về hoạt động kinh doanh của Công ty, một số dòng phân bón hiện nay đang cung ứng như: phân bón NPK Hàn –  Việt, phân bón hữu cơ HTX…. Đồng thời, cam kết Công ty sẽ cùng đồng hành với HTX phát triển chuỗi liên kết với HTX trong thời gian đến.

Ông Lê Ngọc Trung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam  đánh giá cao về hiệu quả bước đầu mô hình trồng khoai Môn hương của HTX và đưa ra những định hướng giúp HTX phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đại diện 02 đơn vị ký hợp đồng cung ứng phân bón

Sau khi thống nhất thỏa thuận, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thương mại và đầu tư Kinh tế hợp tác chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên và lãnh đạo HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Bình Triều đã tiến hành ký hợp đồng cung ứng sản phẩm phân bón NPK Hàn – Việt.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm, thủy sản

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.

3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản giảm nhiều so với cùng kỳ. Ảnh: TL.

3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản giảm nhiều so với cùng kỳ. Ảnh: TL.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.

Theo đó, từ cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2023, cùng với khó khăn chung của các ngành và lĩnh vực, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thuỷ sản đều giảm nhiều so với cùng kỳ (giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%), đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống, như: Mỹ, EU; số lượng đơn hàng giảm mạnh. Sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản có những cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn; các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản bị co hẹp.

Theo Thủ tướng Chính phủ, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Kim ngạch xuất khẩu của hai lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu năm 2023, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 17 tỷ USD, xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD.

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; hỗ trợ các hiệp hội tổ chức hiệu quả các hội chợ triển lãm về đồ gỗ, thuỷ sản, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi nhất là thị trường ngách; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản.

Đồng thời, triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp; các chương trình, đề án về “Giống”, “Thức ăn nuôi trồng thủy sản” và “Hormone HCG” là mấu chốt gia tăng tỷ lệ sống, chất lượng phát triển và giảm giá thành sản phẩm…

Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT. Ảnh: TL.

Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT. Ảnh: TL.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông – ngư dân.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5 năm 2023.

Theo nongnghiep.vn

Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn: Tạo đà xuất khẩu nông sản bền vững

Việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch gắn với mã số vùng trồng có vai trò rất lớn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn do vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ.

Hình thành vùng nguyên liệu sẽ làm tăng giá trị cho nông sản xuất khẩu.
Tạo vùng nguyên liệu “sạch”
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, mở cửa thị trường chất lượng cao cho nông sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022-2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Giai đoạn 2 (2024-2025) hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho hợp tác xã, người dân; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã (HTX) và thành viên HTX; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; thực hiện chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết sản xuất; mở rộng, xây dựng 5 trung tâm logistics; mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.
Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 1 triển khai “Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022- 2025” đã có nhiều mô hình hay, lan tỏa tới các địa phương, doanh nghiệp (DN) và HTX như vùng cà phê và sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên; vùng lúa gạo ở ĐBSCL. Sau 1 năm thực hiện Đề án, nhiều mô hình hay đã lan tỏa tới các địa phương, DN và HTX. Từ 132 lớp đào tạo tập huấn và 26 tổ khuyến nông cộng đồng do Bộ NN&PTNT tổ chức, đến nay các địa phương đã bố trí được 400 lớp đào tạo và 149 tổ khuyến nông cộng đồng. Riêng về lúa gạo, với mục tiêu 50.000ha, sau 1 năm đã có 6.000ha đạt tiêu chuẩn vào thị trường cao cấp…
Mặc dù vậy phản ánh từ các địa phương cũng như DN cho thấy, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn còn nhiều vấn đề; việc tổ chức quản trị điều hành, đặc biệt là điều tiết nhu cầu cấp vùng và quản lý nhà nước về phát triển vùng còn nhiều hạn chế. Đáng nói, việc tích tụ ruộng đất, đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn của một nền nông nghiệp hiện đại còn nhiều bất cập; khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị nông sản vẫn lỏng lẻo.
Ở góc độ DN, đại diện Công ty cổ phần Nafoods Group cho biết, chanh leo và sầu riêng là hai sản phẩm chủ lực của đơn vị. Tuy nhiên, diện tích trồng chanh leo còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán tại các vùng nên khâu quản lý và cấp mã số vùng trồng gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, đại diện công ty này đề xuất, các địa phương cần sớm quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh cây chanh leo, có lộ trình phát triển vùng nguyên liệu chanh leo; hỗ trợ nông dân đăng ký và duy trì mã số vùng trồng.
Đảm bảo thu nhập, tạo động lực cho nông dân
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, xây dựng vùng nguyên liệu là khâu đột phá để tạo nền tảng thúc đẩy các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị nông sản. Đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất cũng như chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
“Để xây dựng được nguồn nguyên liệu nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các địa phương tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, song song với tăng cường giải pháp gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến. Cùng với đó, tạo cơ chế phát triển nguồn nhân lực quản lý cho các HTX, DN tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất, qua đó thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vùng trồng”- Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam – GS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy, xây dựng mã số vùng trồng là tiêu chuẩn cơ bản đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu nên các địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu xây dựng mã số vùng trồng là điểm trọng yếu để có thể bán được sản phẩm.
Về vấn đề này, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng khẳng định, khi chúng ta tạo được vùng nguyên liệu tốt thì chắc chắn DN sẽ có sự tin tưởng và đầu tư vào. Ông Thanh lấy ví dụ, hiện Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang kết hợp với DN Vĩnh Hiệp làm vùng nguyên liệu cà phê để xuất khẩu sang EU.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2022-2023, cả nước hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung, với tổng diện tích khoảng 166.800ha, các tỉnh, thành phố cần phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các HTX, DN liên kết tiêu thụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các tỉnh, thành phố cũng cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có lợi nhuận cao, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy sơ chế, chế biến để đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu…

Theo Bộ NN&PTNT hiện các địa phương đang áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu có chứng chỉ và số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, cả nước có khoảng 4.600 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 300.000ha, gồm trái cây, lúa, cà phê, tiêu, điều, gỗ… và 2.000 cơ sở đóng gói ở 50 tỉnh, thành phố. Việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với mã số vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị khi xuất khẩu.

Theo Đại đoàn kết

Quảng Tây, Trung Quốc: Tăng cường xúc tiến đầu tư và thương mại, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc

Ngày 2/4, tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc do đồng chí Lam Hiểu, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Bí thư Thành ủy Sùng Tả, làm Trưởng đoàn.

Quang cảnh buổi làm việc

Cùng tham dự buổi làm việc về phía Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Lê Minh Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ; Phạm Công Bằng, Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phát triển Hợp tác xã; Nguyễn Hùng Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trưởng Ban Kinh tế Đầu tư; Lê Tuấn An, Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học, Công nghệ và Môi trường; cùng một số đồng chí là lãnh đạo Ban, đơn vị trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Về phía đoàn công tác Thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc có các đồng chí: Vũ Hiểu Huy, Bí thư Thị ủy Bằng Tường, Tuần thị viên cấp hai, Phó Trưởng Ban quản lý khu Bảo thuế Bằng Tường Quảng Tây, Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Khu Thí điểm thương mại tự do Quảng Tây, Trung Quốc phân khu Sùng Tả; Phùng Ba, Bí thư huyện Long Châu, Tuần thị viên cấp 2; Hoàng Vũ Sơ, Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư thành phố Sùng Tả; Hạ Cao Phong, Cục trưởng Cục ngoại sự và Thương mại cửa khẩu thành phố Sùng Tả; cùng các Doanh nghiệp, cán bộ của thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc.

Buổi làm việc là hoạt động quan trọng nhằm cụ thể hóa “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”, hiện thực hóa các văn kiện kinh tế, thương mại được ký kết giữa hai Nước.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam gửi lời chào mừng đến đồng chí đồng chí Lam Hiểu cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đồng thời giới hiệu khái quát tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX tại Việt Nam.

Theo đó, hiện khu vực Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX của Việt Nam có gần 30.000 HTX, 123.000 THT, 130 Liên hiệp HTX với trên 11 triệu thành viên và người lao động. Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX; làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể. Hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là cơ quan trung ương và 63 Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thành viên là HTX, THT, Liên hiệp HTX và cung ứng dịch vụ hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh.

Đánh giá Quảng Tây có vai trò rất lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, do có chung đường biên giới với 4 tỉnh phía bắc của Việt Nam, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Đồng thời là cửa ngõ giao thương quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với phạm vi gồm 3 thành phố của Quảng Tây là: Nam Ninh, Sùng Tả, Bằng Tường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mong muốn buổi làm việc sẽ tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề như: Tăng cường xúc tiến đầu tư và thương mại, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm khai thác các tiềm năng, mở rộng thương mại giữa hai Nước; Khuyến khích tổ chức cho các HTX, doanh nghiệp hai Nước tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm để hỗ trợ HTX, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối cung–cầu; Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc; Tăng cường trao đổi chính sách, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị song phương, thúc đẩy giao lưu giữa các HTX, doanh nghiệp hai Nước.

Đồng chí Lam Hiểu, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Bí thư Thành ủy Sùng Tả phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Lam Hiểu, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Bí thư Thành ủy Sùng Tả cho biết: Việt Nam và Trung Quốc có truyền thống đoàn kết, hữu nghị lâu đời. Mới đây nhất, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã góp phần củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai đảng, làm định hướng cho quan hệ giữa hai nước; tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; tạo chuyển biến mới, tích cực trong hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác; nâng cao hợp tác quốc phòng-an ninh, tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế; phát triển quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, giao lưu nhân dân.

Đồng chí Lam Hiểu đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát huy vai trò kết nối các cơ quan chức năng của Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa  các HTX, doanh nghiệp của Quảng Tây với các HTX của Việt Nam; hợp tác giữa Liên đoàn Hợp tác xã cung tiêu Quảng Tây và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đồng thời sớm có thêm nhiều Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với nhiều loại trái cây xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, từ đó tăng cường năng lực thông quan tại các cửa khẩu giúp mở rộng diện mặt hàng trái cây Việt Nam tại Trung Quốc.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc lãnh đạo hai cơ quan đã chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 8 HTX, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị hai cơ quan sẽ cử ra các đầu mối phối hợp để tiếp tục triển khai các đầu công việc, qua đó sớm có thêm những thỏa thuận, hợp tác trong thời gian tới.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 8 doanh nghiệp, HTX Việt Nam và Trung Quốc

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tặng quà lưu niệm cho Bí thư Thành ủy Sùng Tả Lam Hiểu

Lãnh đạo hai cơ quan chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc

Nguồn: Liên minh hợp tác xã Việt Nam

CÔNG TY TNHH MTV THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ KINH TẾ HỢP TÁC KHẢO SÁT NHÀ MÁY SẢN XUẤT PHÂN BÓN HÀN VIỆT CUNG ỨNG ĐẦU VÀO CHO CÁC HTX TẠI KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN

Trong 03 ngày từ ngày 28-30/3/2023, Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Kinh tế Hợp tác (CETIC), đại diện là ông Phan Văn Tùng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên tổ chức đoàn HTX là thành viên của hệ thống Liên minh HTX Việt nam tham quan, khảo sát nhà máy phân bón Hàn – Việt thuộc Công ty TNHH phân bón Hàn – Việt (KVF) tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự cùng đoàn có Ông Hồ Dậy, Phó Trưởng Cơ quan Thường trực Liên minh HTX Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên; ông Lê Ngọc Trung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam và đại diện 14 HTX Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo nhà máy phân bón Hàn Việt

Đón tiếp đoàn, Ông Kim Kwang Chul, Tổng giám đốc Công ty KVF đã giới thiệu sơ lược về quy mô hoạt động, quá trình hình thành, phát triển và trực tiếp dẫn đoàn đi khảo sát các dây chuyền công nghệ sản xuất, hệ thống kho bãi, phòng kiểm nghiệm chất lượng… . Nhà máy sản xuất phân bón NPK Hàn – Việt rộng 12ha, công suất thiết kế 360,000 tấn/năm, chuyên sản xuất các loại phân bón NPK với công nghệ và dây chuyền hiện đại đến từ đối tác INCRO – Tây Ban Nha. Có tổng số vốn đầu tư là hơn 60 triệu USD từ hai thành viên đó là Tập đoàn Taekwang và Huchems (cùng là một thành viên thuộc Tập đoàn Taekwang). Thị trường tiêu thụ rộng khắp trên phạm vi cả nước, sản phẩm đã được thị trường ưu chuộng và đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, chủng loại…

Ông Phan Văn Tùng (Phó Tổng Giám Đốc CETIC) đại diện đoàn công tác giới thiệu về tình hình phát triển kinh doanh của CETIC và các HTX trong khu vực miền Trung – Tây nguyên. Bên cạnh đó, Ô Phan Văn Tùng cũng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, sự phát triển của sản phẩm phân bón NPK Hàn-Việt trên thị trường và nhận thấy, đây là cơ hội tốt để Công ty KVF và công ty CETIC trở thành đối tác tiềm năng, bền vũng cũng cấp các sản phẩm phân bón NPK Hàn Việt cho các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng như các HTX trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Công ty CETIC mong muốn Công ty KVF luôn duy trì ổn định chất lượng và phát triển thêm các dòng sản phẩm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cho từng vùng nhất là mùa khô, tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng các mô hình thực nghiệm, trình diễn và các chính sách bán hàng ưu đãi cho các HTX Nông nghiệp tại miền Trung nói riêng và khu vực vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói chung.

Ông Phan Văn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CETIC tặng bức tranh “Bác Hồ với HTX cho Công ty KVF”

Kết thúc buổi làm việc, Ông Kim Kwang Chul, Tổng giám đốc Công ty KVF đánh giá cao mục tiêu chuyến công tác, tinh thần hợp tác, đồng thời cam kết ưu tiên phát triển thị trường khu vực kinh tế tập thể, HTX nhất là khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Một số hình ảnh chuyến công tác.

Quang cảnh khu nhà máy sản xuất phân bón Hàn Việt

Đoàn tham quan khu vực kho bảo quản, trung chuyển

Phòng thí nghiệm và kiểm nghiệm chất lượng nhà máy KVF

Đại diện lãnh đạo các đơn vị chụp hình lưu niệm tại chương trình Đồng hành cùng phát triển với KVF

Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tọa đàm “Củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố”

Sáng ngày 16/02/2023, tại hội trường cơ quan (số 123 Phan Châu Trinh, TP.Đà Nẵng), Liên minh Hợp tác xã TP.Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố”. Đây là nội dung nằm trong chuỗi nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ năm khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 05/12/2022 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

          Về tham dự Tọa đàm, đại biểu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có ông Hồ Dậy – Phó Trưởng phụ trách Cơ quan Thường trực Liên minh HTX Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên, ông Phan Văn Đợi – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung – Tây Nguyên, ông Vũ Quang Phúc – Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường miền Trung, ông Phan Văn Tùng – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Đầu tư kinh tế hợp tác, kiêm Giám đốc Chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên, cùng lãnh đạo, CBNV của các cơ quan, đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung-Tây Nguyên thường trú tại Quảng Nam; Thường trực, lãnh đạo và CBNV các phòng, đơn vị, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX – Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam và Liên minh Hợp tác xã TP.Đà Nẵng. Tọa đàm do Chủ tịch Liên minh HTX TP.Đà Nẵng và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì.

          Tại Tọa đàm, đại diện Liên minh Hợp tác xã TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã tham gia phát biểu tham luận về  “Củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố” để thực hiện tốt ba chức năng, nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Nhà nước giao: (1) là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể; (2) là  giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, (3) là làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể. Tham luận của các cơ quan, đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung-Tây Nguyên và ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự đã tập trung làm rõ nội dung chủ đề Tọa đàm và xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện có kết quả nhằm góp phần củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW, đồng thời thống nhất một số hoạt động phối hợp triển khai thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

          Phát biểu cùng Tọa đàm, ông Hồ Dậy hoan nghênh Liên minh Hợp tác xã TP.Đà Nẵng đã sớm chủ động nghiên cứu và đăng cai tổ chức Tọa đàm. Đây là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trọng thời điểm hiện nay, khi cả nước bắt đầu có những hoạt động triển khai chỉ đạo của các cấp về thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, qua đó làm rõ các vấn đề liên quan đến các giải pháp nhằm củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực hoạt động của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh, thành phố để thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng trên.

          Kết luận Tọa đàm, ông Phạm Công Chính – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP.Đà Nẵng, thay mặt chủ trì, đánh giá cao nội dung các tham luận cũng như các ý kiến phát biểu tại buổi Toạ đàm và nhấn mạnh: Để củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trước hết cần chú trọng công tác theo dõi, giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý kiến về các chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh, thành phố; tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan để tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP.Đà Nẵng Phạm Công Chính cũng đã thống nhất một số nội dung phối hợp với các đơn vị trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung – Tây Nguyên để triển khai trong năm 2023; đồng thời phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam ký kết chương trình phối hợp giữa hai cơ quan nhằm hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động, theo tinh thần Chương trình hợp tác, phát triển giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng số 01/CTr-TUQN-TUĐN ngày 01/8/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng.

           Một số hình ảnh buổi Tọa đàm:

Ông Phạm Công Chính- Chủ tịch Liên minh hợp tác xã thành phố Đà Nẵng phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Ông Võ Bảy- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam điều hành tham luận, thảo luận tại Tọa đàm.

Ông Tôn Thất Uyên- Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã thành phố Đà Nẵng tham luận tại buổi Tọa đàm.

Ông Đặng Văn Tính -Trưởng phòng Kế hoạch- Kiểm tra Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Nam tham luận tại Tọa đàm.

Ông Trần Quang Hậu- Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật và đào tạo cán bộ hợp tác xã Miền trung- Tây nguyên.

Ông Vũ Quang Phúc – Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường miền Trung tham luận tại Tọa đàm.

Ông Phan Văn Tùng – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Đầu tư kinh tế hợp tác, kiêm Giám đốc Chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên tham luận tại Tọa đàm.

Ông Phan Văn Đợi – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung – Tây Nguyên.


Ông Lê Ngọc Trung – Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Nam thảo luận tại Tọa đàm.

Ông Hồ Dậy – Phó Trưởng phụ trách Cơ quan Thường trực Liên minh HTX Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên phát biểu tại Tọa đàm.

Nguồn: lmhtx.danang.gov.vn

Trung Quốc ra văn kiện thúc đẩy toàn diện quá trình hồi sinh nông thôn

Trung Quốc vừa công bố một chính sách quan trọng được gọi là ‘văn kiện trung ương số 1’ cho năm 2023, nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy toàn diện sức sống nông thôn.

Một công nhân nông nghiệp chăm sóc mô hình trồng rau không cần đất tại quận Cù Châu, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Xinhua

Một công nhân nông nghiệp chăm sóc mô hình trồng rau không cần đất tại quận Cù Châu, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Xinhua

Theo đó, nhấn mạnh những nỗ lực chung của Đảng và toàn xã hội nhằm đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nông thôn. Tài liệu giới thiệu 9 khía cạnh nhằm đạt được các mục tiêu bao gồm đảm bảo cung cấp/sản xuất nông nghiệp và tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, mở rộng các nhiệm vụ của năm ngoái, đồng thời cũng đưa ra những điểm nổi bật mới.

Theo văn kiện, cần không ngừng coi việc giải quyết vấn đề “nông nghiệp, nông thôn và nông dân” là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác của toàn Đảng, phát huy cao độ nỗ lực của toàn Đảng, toàn xã hội để thúc đẩy toàn diện công cuộc chấn hưng nông thôn, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

“Cùng với sự phát triển nhanh chóng của những thay đổi toàn cầu với quy mô chưa từng thấy trong một thế kỷ, sự phát triển của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ cùng tồn tại các cơ hội, rủi ro và thách thức chiến lược, với những yếu tố không chắc chắn và khó lường ngày càng gia tăng. Điều cực kỳ quan trọng là phải duy trì nền tảng của “nông nghiệp, nông thôn và nông dân” và không cho phép có bất kỳ sai sót nào”, tài liệu nêu rõ.

Li Guoxiang, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, việc nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn của văn kiện giống với kế hoạch phát triển sâu rộng được đưa ra trong báo cáo của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, trong đó chỉ ra rằng “những nhiệm vụ khó khăn và thách thức nhất mà chúng ta phải đối mặt trong việc xây dựng một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt vẫn ở các vùng nông thôn của đất nước”.

“Trung Quốc phải đối mặt với một số thách thức nghiệt ngã trong quá trình phục hồi nông thôn, chẳng hạn như thiếu nhân tài và vấn đề già hóa dân số nông thôn. Văn kiện số 1 là động lực củng cố niềm tin và đảm bảo thể chế có thể huy động sức mạnh của Đảng và toàn xã hội hướng tới mục tiêu chung”, ông Li nói.

Đảm bảo an ninh lương thực

Theo ông Li, hầu hết các ưu tiên chính sách được liệt kê trong tài liệu trung ương số 1 năm nay là sự tiếp nối của năm ngoái, phản ánh mức độ thực dụng và hiệu quả cao, giúp các địa phương dễ dàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công việc liên quan.

Tài liệu đã liệt kê chín khía cạnh công việc chính mà Trung Quốc sẽ thực hiện vào năm 2023 để thúc đẩy phục hồi nông thôn. Nhiệm vụ đầu tiên là đảm bảo nguồn cung ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp quan trọng cũng như sản xuất ổn định, phản ánh việc chính phủ tiếp tục chú trọng đến an ninh lương thực phù hợp với chiến lược dài hạn.

Cụ thể, theo hãng tin Tân Hoa Xã, Trung Quốc sẽ đảm bảo tổng sản lượng ngũ cốc đạt hơn 650 triệu tấn trong năm nay. Theo ông Li, tầm quan trọng của việc ổn định sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nguồn cung lương thực đã được nâng lên thành “vị trí chiến lược chưa từng có” trong tài liệu số 1 của năm nay tương tự như năm ngoái, trong bối cảnh thiên tai ngày càng nhiều.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia, năm 2022 Trung Quốc sản xuất 687 triệu tấn ngũ cốc, tăng 3,68 triệu tấn so với năm 2021.

Các nhiệm vụ chính

Trong văn kiện trung ương số 1 năm nay, chính phủ cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ nhằm thúc đẩy sức sống của nông thôn, chẳng hạn như tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và củng cố hỗ trợ khoa học, công nghệ và thiết bị nông nghiệp, điều mà các quan chức đã đề cập trong văn bản năm ngoái nhưng không nhấn mạnh điều đó một cách mạnh mẽ như năm nay.

Chiến lược phục hồi nông thôn đã được Bắc Kinh đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự kể từ Đại hội Đảng lần thứ 19 vào tháng 10 năm 2017. Chiến lược này nhằm giải quyết sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn và hiện đại hóa nền kinh tế nông thôn, bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đổi mới khoa học và công nghệ. Ảnh: ifpri

Chiến lược phục hồi nông thôn đã được Bắc Kinh đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự kể từ Đại hội Đảng lần thứ 19 vào tháng 10 năm 2017. Chiến lược này nhằm giải quyết sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn và hiện đại hóa nền kinh tế nông thôn, bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đổi mới khoa học và công nghệ. Ảnh: ifpri

Đặc biệt, chính phủ đang tập trung xây dựng một hệ thống đổi mới khoa học và công nghệ nông nghiệp với cấp bậc rõ ràng, phân công lao động/hợp tác và cạnh tranh vừa phải để thúc đẩy đột phá trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Tài liệu cũng cho biết, Trung Quốc sẽ hỗ trợ xây dựng các phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm đổi mới sản xuất và các nền tảng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như cải thiện cơ chế hỗ trợ ổn định cho nghiên cứu cơ bản về khoa học.

Theo các chuyên gia, tỷ trọng ngành công nghiệp sơ cấp của Trung Quốc sẽ giảm so với các ngành công nghiệp cấp hai và cấp ba, do đó ngành nông nghiệp phải được chuyển đổi và nâng cấp để trở nên hiệu quả, thông minh và tập trung hơn để đáp ứng xu hướng này.

Tian Yun, một nhà kinh tế ở Bắc Kinh cho rằng, việc mở rộng sản xuất của Trung Quốc cần dựa nhiều hơn vào việc cải thiện hàm lượng khoa học và công nghệ. Ông Yun lưu ý: “Cấu trúc dân số hoặc cơ cấu lực lượng lao động hiện tại của Trung Quốc xác định rằng hiện đại hóa nông nghiệp sẽ dựa nhiều hơn vào thiết bị máy móc để thay thế lực lượng lao động và công việc tốt được hỗ trợ bởi thông tin và trí tuệ để cải thiện năng suất và chất lượng thực phẩm”.

Bên cạnh đó, tài liệu cho biết Trung Quốc sẽ giữ mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn tình trạng bần cùng hóa quay trở lại quy mô lớn, đẩy nhanh việc xây dựng một cường quốc nông nghiệp, cũng như mở rộng các kênh để nông dân tăng thu nhập.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, quá trình hiện đại hóa nông thôn của Trung Quốc có những nét riêng thay vì mù quáng chạy theo khuôn mẫu của các nước phương Tây.

“Nền tảng của hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc là củng cố và cải thiện hệ thống vận hành nông thôn cơ bản, phát triển kinh tế tập thể nông thôn mới và thúc đẩy cải cách hệ thống đất đai nông thôn, trao cho nông dân quyền và lợi ích tài sản đầy đủ hơn, khác với tư nhân hóa quyền sở hữu đất đai ở phương Tây”, theo ông Li.

Nguồn: nongnghiep.vn

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Cần chuyển nhanh từ tiểu ngạch sang chính ngạch

Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó, đòi hỏi nông sản Việt cần hướng đến xuất khẩu bền vững để giữ thị trường này.

“Hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa ký kết Nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) – chia sẻ tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức sáng 14/2 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chế biến thủy sản xuất khẩu
Chế biến thủy sản xuất khẩu

Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022.

Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. “Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này”, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi nói.

Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây, nơi chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc. Do đó, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng cần tăng cường thực thi chính sách với tỉnh này nói riêng. Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

ông Tô Ngọc Sơn
Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị

Hiện Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng, ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – chia sẻ, từ ngày 8/1/2023, cùng với việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1/2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu vẫn gặp một số vướng mắc như: Số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.

Mặt khác, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.

Ngoài ra, những khó khăn về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, các dịch vụ logistics nói chung và Lạng Sơn nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa với Trung Quốc như cắt nối moóc, xét nghiệm Covid-19… còn ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan.

Do đó, cùng với kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, ông Hồ Tiến Thiệu cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Cần nhanh chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch
Toàn cảnh Hội nghị

Về phía Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, hai nước cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu. Đồng thời, tăng cường hợp tác, đầu tư kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản tại khu vực hai bên biên giới của mỗi nước.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường tỷ dân này, ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

“Việt Nam có lợi thế địa lý ở gần Trung Quốc và cần đẩy mạnh khai thác tối đa điều này”. Từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Đây là điều được cho là sẽ giảm tải cho ga Gia Lâm, cũng như giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc”, ông Tô Ngọc Sơn cho biết thêm.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng với nông sản, thủy sản Việt Nam. Bắt kịp và thích ứng với thị trường Trung Quốc sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt không chỉ giữ được đối tác quan trọng này mà còn có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.

Nguồn:Báo Công Thương

Hà Nội phê duyệt 58 địa điểm cố định tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại năm 2023

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký quyết định số 293/UBND-KTN phê duyệt danh mục địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho tổ chức hội chợ thương mại tại 58 địa điểm cố định trên địa bàn thành trong năm 2023. Các địa điểm khác sẽ được triển khai theo sự phê duyệt của UBND Thành phố.

Trong danh sách, có các địa điểm như: Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô (số 91 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm); Cung Triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia (số 1 đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm); Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy); Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng); Nhà thi đấu quận Hà Đông (phường Quang Trung, quận Hà Đông); Sân vận động phường Dương Nội (quận Hà Đông); Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza Hà Đông (phường Hà Cầu, quận Hà Đông); Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông (phường Dương Nội, quận Hà Đông); Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ); Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Times City (quận Hai Bà Trưng)…

Một số lĩnh vực được ưu tiên tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại gồm: Hàng hóa, dịch vụ khoa học, công nghệ, tri thức chất lượng cao; các sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, công nghiệp phụ trợ, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm của làng nghề; các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam hoặc các hàng tiêu dùng khác…

UBND thành phố giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã liên quan kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác tổ chức bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 của trung ương và thành phố, theo đúng quy định pháp luật và không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ chính của địa điểm. Sở Công Thương công bố công khai cho các doanh nghiệp biết và thực hiện theo đúng quy định.

Việc UBND TP. Hà Nội phê duyệt kịp thời các địa điểm điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023, không chỉ quản lý hoạt động mua bán mà còn giúp cho các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, thương mại chủ động phương án về nguồn hàng.

Nguồn: moit.gov.vn

Vì sao giá gạo Việt Nam tăng từng ngày?

Các quốc gia trên thế giới có nhu cầu lớn dự trữ lương thực trước bất ổn về kinh tế, chính trị, biến đổi khí hậu. Đã có doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam với mức giá vượt hơn 1.200 USD/tấn.

Vì sao giá gạo Việt Nam tăng từng ngày? - Ảnh 1.

Công ty cổ phần Gavi đóng gói gạo Việt Nam để xuất khẩu – Ảnh: Y.T

Ngày 7-2, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bày tỏ bất ngờ trước giá lúa gạo Việt Nam nội địa cũng như giá xuất khẩu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng giá lúa tươi hiện nay quá cao.

“Hôm qua 6.700 đồng/kg, hôm nay đã 7.000 đồng/kg nếu mua tươi tại ruộng. Còn lúa tươi mua xuất khẩu đi châu Âu là 7.300 đồng/kg. Bà con nông dân vào vụ thu hoạch nhưng biết các quốc gia đang cần dự trữ lương thực, sẵn đà đó giá lúa tươi có lên. Bà con phấn khởi, doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn chút xíu thôi vì giá gạo tăng nhưng không cao bằng giá lúa tăng”, ông Bình nói.

Ông Bình cho biết ông đã có đơn hàng gạo loại 5% tấm và gạo 25% tấm mức giá lần lượt là 485 USD/tấn và 495 USD/ tấn, tăng 15 USD/tấn so với cuối năm 2022. Nhưng bây giờ giá xuất sang châu Âu bất ngờ lên đến 1.250 USD/tấn.

“Tôi đang xuất đơn hàng sang châu Âu đến 1.250 USD/tấn đối với gạo thơm ST24, ST25. Ngoài ra gạo thơm khác là 925 USD/tấn và 800 USD/tấn. Trong nhiều nguyên nhân khiến giá lúa gạo tăng, quan trọng nhất là tình hình lương thực – thực phẩm bị đứt gãy ở nhiều quốc gia, biến đổi khí hậu. Dù Việt Nam cũng biến đổi khí hậu nhưng ngành hàng lúa gạo vẫn lợi thế, phát triển”, ông Bình nói.

Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở miền Tây cũng ghi nhận giá lúa tăng từng ngày, mỗi ngày 100 – 300 đồng/kg; giá gạo cũng tăng 800 – 1.000 đồng/kg.

“Thị trường gạo nội địa nóng lên chưa từng có trong 1 – 2 năm trở lại đây, vì Ấn Độ và Pakistan hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc đầu cơ tích trữ lương thực vì hạn hán. Cơ hội của gạo Việt Nam trên thị trường ngày càng cao”, doanh nghiệp này cho hay.

Hiện nay nhiều khách hàng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi, châu Âu… đang tích cực thu mua gạo dự trữ. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận được những đơn hàng lớn. Giá gạo Việt Nam được các doanh nghiệp lúa gạo dự báo sẽ tiếp tục tăng với những mức giá… chưa từng có.

Nhận định chung, ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho hay gạo Việt đang bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ đông xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn.

Nguồn: tuoitre.vn