Category Archives: Hoạt động

Nông sản Campuchia ồ ạt sang Việt Nam

11 tháng đầu năm, thóc, hạt điều, ngô, đậu xanh, đậu tương của Campuchia xuất sang Việt Nam tăng 3-4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của thương vụ Campuchia tại Việt Nam cho thấy, 11 tháng đầu năm, nước này đã xuất khẩu nông sản được 7,13 triệu tấn sang 68 nước, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, nông sản xuất sang thị trường Việt Nam ngày càng tăng cao.

Trong 11 tháng qua, Campuchia xuất khẩu 3,1 triệu tấn thóc sang Việt Nam, tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn các nông sản khác xuất sang Việt Nam cũng liên tục tăng 20-400% so với cùng kỳ 2020.

Với sắn tươi, Campuchia xuất sang Việt Nam chiếm 70% tổng sản lượng, đạt hơn 622.000 tấn; hạt điều xuất sang khoảng 912.000 tấn; ngô hạt trên 134.000 tấn; đậu xanh khoảng 26.000 tấn; đậu tương 66.200 tấn và hạt tiêu hơn 26.000 tấn.

Trước đây, nông sản Campuchia xuất nhiều qua Thái Lan, Trung Quốc, nay chuyển dịch khá nhiều sang thị trường Việt Nam. Bên cạnh các nhóm hàng trên thì trái cây Campuchia như: bưởi, chuối, xoài cũng ngày càng ồ ạt vào thị trường Việt Nam và có giá rất cạnh tranh.

Nông dân Campuchia thu hoạch ngô từ trang trại của họ. Ảnh: World Bank/Chhor Sokunthea
 

Nông dân Campuchia thu hoạch ngô từ trang trại của họ. Ảnh: Chhor Sokunthea

Lý giải cho việc hàng Campuchia ngày càng xuất mạnh sang Việt Nam, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, nông sản nước này có ưu điểm vượt trội so với hàng Việt về giá và chất lượng. Hơn nữa, nông dân Campuchia khi canh tác sử dụng rất ít các loại hoá chất bảo vệ thực vật, giống tốt, đất đai màu mỡ nên nông sản của họ thu hút người tiêu dùng Việt.

Ngoài ra, theo ông Xuân, thời gian gầy đây, người dân và doanh nghiệp Việt có xu hướng sang Campuchia thuê đất nông nghiệp để trồng khoai, sắn, mía, ngô hay nuôi bò… bởi quỹ đất nông nghiệp của quốc gia này còn rất lớn. Giá đất nông nghiệp của Campuchia cho thuê thấp, chi phí thuê lao động làm việc cũng rẻ hơn so với Việt Nam.

“Đến khi thu hoạch, những loại nông sản này được đưa trở lại Việt Nam tiêu thụ nên mới có tình trạng nông sản Campuchia xuất khẩu qua nước ta tăng đột biến trong năm nay”, ông Xuân phân tích.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Campuchia là quốc gia có sức cạnh tranh mạnh mẽ về nông sản tại khu vực Đông Nam Á. Nông sản ở nước này cho năng suất cao và chất lượng ngày càng cải tiến, được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Điển hình như hồ tiêu, dù trồng ở Campuchia ít được thâm canh so với nông dân Việt Nam, năng suất của họ luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn một ha, còn năng suất của Việt Nam chỉ bằng một nửa quốc gia láng giềng này. Khoảng 95% lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, trong đó Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường mua nhiều nhất.

Thi Hà

Nguồn: Vnexpress

Xây dựng trường phái ‘ngoại giao cây tre Việt Nam’

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lấy hình ảnh cây tre, để định hướng cho trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của đất nước Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Ngày 14/12, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra tại Hội trường Diên Hồng. Chủ trì là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ, ban, ngành, địa phương.

Đây là hội nghị đối ngoại đầu tiên trong lịch sử, do Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trì. Nội dung chính là đánh giá toàn diện những thành tựu của công tác đối ngoại trong 35 năm đổi mới, và nhìn lại những bài học kinh nghiệm, nhận diện rõ hơn những vấn đề trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song các nhân tố bất ổn ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia.

“Trong tổng thể các thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập quốc tế. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện”, Phó Thủ tướng nói.

Trên cơ sở nâng quy mô nền kinh tế lên gần 400 tỷ USD, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị tiếp tục nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.

Sau ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Hội nghị được nghe tham luận của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. HCM, Bí thư Tỉnh ủy Đà Nẵng, và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển cũng phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này quan hệ biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay.

“Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư cho rằng, Việt Nam có trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Ông gọi đó là trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam”, và bày tỏ: “Cây tre Việt Nam gốc vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã được”.

Nhằm phát huy hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, Tổng Bí thư nêu 6 vấn đề cần làm. Một là, nắm chắc tình hình để kịp đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại. Hai là, quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Ba là, phát huy mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương.

Bốn là, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng. Năm là, chú trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng. Sáu là, tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế.

Nguồn: Nongnghiep.vn

Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của những khoản đầu tư xanh

Các tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ về vốn vay và các giải pháp để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của những khoản đầu tư xanh trong 20 năm tới.

Hội thảo công bố kết quả Hội nghị COP26. Ảnh: NH.

Chia sẻ tại Hội thảo công bố kết quả Hội nghị COP26 do Bộ Tài nguyên, Môi trường và Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức chiều 7/12, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dù là nước mới bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa, nhưng Việt Nam đã hoà cùng với xu thế chung của nhân loại, hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính.

Do đó, tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ xây dựng, triển khai các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam cũng đã tham gia các tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng sạch, hỗ trợ thích ứng cho cộng đồng địa phương và giảm phát thải khí mê tan.

Đại sứ Anh tại Việt Nam, Ngài Gareth Ward chia sẻ, việc Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã thể hiện một cách ấn tượng vai trò lãnh đạo về khí hậu của quốc gia, đồng thời gửi thông điệp quan trọng tới cộng đồng quốc tế về hướng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Trong tương lai, Vương quốc Anh cùng các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu mới thông qua tăng cường những đề xuất về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.

“Chúng tôi muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tìm ra phương thức kết hợp phù hợp giữa tăng cường đầu tư công, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi để giảm chi phí cho quốc gia và đưa ra những biện pháp quản lý thích hợp giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những khoản đầu tư xanh trong 20 năm tới.” Đại sứ Anh Gareth Ward.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) chúc mừng Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu.

Cũng theo Bà Caitlin Wiesen, UNDP cam kết hợp tác chặt chẽ với chính phủ, các đối tác phát triển, doanh nghiệp, nhà khoa học, phụ nữ, thanh niên và cộng đồng địa phương để theo đuổi phương pháp tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa các tham vọng mới này.

Điều này sẽ được bổ sung bằng cách đơn giản hóa các quy định để cho phép khu vực doanh nghiệp đóng góp đầy đủ vào quá trình phục hồi kinh tế xanh với con người là trung tâm.

Ngọc Huyền

Kinh doanh đặc sản thời Covid-19 hơn thua nhau ở kênh phân phối mới

Thích nghi và kịp thời ứng biến trước khó khăn của đại dịch là điều rất quan trọng đối với những doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng đặc sản. Nhất là phát triển các kênh phân phối mới được xem như yếu tố quyết định cho việc hơn thua giữa các DN dưới thời Covid-19.

Chia sẻ câu chuyện kinh doanh đặc sản thời Covid-19, anh Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (chuyên sản xuất mật hoa dừa), đã nói một cách dân dã là “kiên trì “quánh” tới”. Điều này nhằm duy trì sự tích cực tìm ra các giải pháp cho vấn đề của DN mình giữa khó khăn.

Kiên trì “quánh” tới

Nói về thích ứng và chuyển đổi, anh Ngãi nhấn mạnh việc chủ động tạo hệ sinh thái người tiêu dùng đầu cuối trên trực tuyến (online) thông qua các nhóm facebook. Qua đó hiểu được tâm tư của khách hàng để cho ra sản phẩm mới. 

HINH-6852-1638440713.jpg
Phát triển các kênh phân phối mới được xem như yếu tố quyết định cho việc hơn thua nhau giữa các DN kinh doanh đặc sản dưới thời Covid.

Đơn cử như gần đây công ty này phát triển sản phẩm mới là giấm mật hoa dừa nhằm đáp ứng nhu cầu trong mùa dịch của người tiêu dùng là muốn thải độc cơ thể và phục vụ cho việc nấu ăn. 

Ngoài ra, theo anh Ngãi, phía công ty còn đào tạo đại lý online vào hàng tuần nhằm tạo làn gió mới về chuyển đổi và tạo hệ sinh thái đại lý. Bên cạnh đó, khi thị trường trong nước có vấn đề giữa dịch bệnh thì công ty chủ động tìm đến thị trường nước ngoài (như gần đây nhất là kết nối với thị trường Ấn Độ).

Trong khi đó, khi nói về hoạt động phân phối, chị Ngô Ngọc Anh, chủ cơ sở nhang sen Liên Tâm Đồng Tháp, cho biết trước nay phía cơ sở vẫn quen với hoạt động bán lẻ theo kiểu truyền thống (với khoảng 1.000 khách hàng) hơn là bán sỉ. Tuy vậy, nhờ có sự chuẩn bị cho việc tham gia vào sàn thương mại điện tử (TMĐT) từ cách đây 2 năm, nên vào những tháng giãn cách xã hội vừa qua thì doanh số từ sàn TMĐT đã tăng lên.

“Chúng tôi còn có Fanpage (một trang Facebook của DN) và website riêng nhằm chăm sóc một lượng lớn khách hàng cũ. Nhờ tận dụng điều này nên hiện tại doanh số từ Fanpage mang lại vẫn cao hơn từ sàn TMĐT”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Trong hoạt động kinh doanh các mặt hàng đặc sản hiện nay, việc thích nghi và kịp thời ứng biến trước khó khăn của đại dịch là điều rất quan trọng đối với các DN, nhất là phát triển các kênh phân phối mới như yếu tố quyết định cho việc hơn thua nhau giữa các DN. Và chính hành động nhanh gọn, dứt khoát trong việc đa dạng các kênh phân phối đã giúp không ít DN vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

Trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành (diễn ra từ ngày 2 đến 5/12) thu hút 500 gian hàng đặc sản, vấn đề phát triển các kênh phân phối mới thu hút sự quan tâm của nhiều DN thông qua các hội thảo chuyên đề như: “Giới thiệu phương thức kinh doanh trên sàn TMĐT”, “Hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại”, “Tiếp xúc, giải đáp, kết nối giữa các DN phân phối, doanh nghiệp TMĐT và đơn vị cung ứng tiềm năng”.

Qua đó, các DN cũng xác định hoạt động sản xuất kinh doanh đặc sản cần chuyển dịch từ “sản xuất cái mình có” sang “sản xuất cái người tiêu dùng cần”.

Cuộc chơi công bằng

Như việc phát triển kênh phân phối đặc sản trên sàn TMĐT, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là xu thế tất yếu cho các DN. Và điều mong muốn lớn nhất của các DN là làm sao bán được nhiều sản phẩm của mình.

Và như vậy, khi tham gia sàn TMĐT, ông Nguyên nhấn mạnh quan trọng nhất là các DN phải xây dựng hiệu quả website riêng của mình với đầy đủ thông tin mà khách hàng cần. Bản thân các DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan có liên quan để tiếp cận được các sàn TMĐT có uy tín và có tính chất toàn cầu.

Còn theo ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Alibaba.com Vietnam, các DN nhỏ và vừa phải ý thức được những lợi thế cạnh tranh của họ đang ở đâu và phải tận dụng những lợi thế như thế nào. 

Nhìn vào phân khúc ngành hàng tiềm năng của Việt Nam trên Alibaba.com, các DN kinh doanh đặc sản có thể thấy được cơ hội của mình trong đó như thế nào. Như số liệu nội bộ mới đây từ sàn TMĐT toàn cầu này, có 10 ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam đang có được sự chú ý rất lớn của các người mua trên thế giới, trong đó có thể kể đến ngành thực phẩm và đồ uống, nông sản, quà tặng, hoá mỹ phẩm…

Những ngành hàng đang thu hút như trên đều cho thấy cơ hội lớn đối với các DN kinh doanh các mặt hàng đặc sản. Lợi thế cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam chính là “cuộc chơi” trên sàn TMĐT khá công bằng.

“Không nhất thiết cứ phải là thương hiệu lớn khi kinh doanh trên sàn TMĐT mới thành công mà ngược lại, các DN vừa và nhỏ có thể trực tiếp trao đổi, tiếp cận với khách hàng là những nhà mua hàng lớn, xem đây là cơ hội để DN xây dựng thương hiệu riêng của chính mình”, ông Tùng nói.

Như lưu ý của vị giám đốc phát triển kinh doanh này, trong chuỗi phân phối truyền thống của DN có những rào cản về mặt chi phí, địa lý để có thể đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, qua môi trường TMĐT thì những rào cản đó đang biến mất. Việc còn lại của các DN Việt là phải hiểu được những công cụ, tính năng và hiểu được luật chơi của TMĐT.

“Đây chính là thời cơ để các DN có thể xây dựng được thương hiệu riêng của mình trên thị trường quốc tế và có thể xây dựng được mạng lưới hệ thống phân phối. Nhất là người tiêu dùng trên thế giới đang rất quan tâm tìm hiểu những nhà cung cấp sản phẩm mới đến từ Việt Nam”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Thế Vinh

Nguồn: Vnbusiness.vn

Nông nghiệp hữu cơ, quà tặng từ nguồn đất mẹ

Đất hữu cơ là nhân mạch chính để tạo ra rau, quả hữu cơ. Nhờ đó rau, quả hữu cơ mới chứa các hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời mà con người muốn thưởng thức.

Trên thị trường hiện nay, rau, quả hữu cơ đang có giá cao hơn rất nhiều so với thực phẩm thông thường, thậm chí gấp hai, gấp ba lần. Tuy nhiên, xu hướng và nhu cầu lựa chọn thực phẩm hữu cơ của xã hội vẫn ngày càng tăng cao. Bởi vì lý do gì? Khi mà rau quả hữu cơ chưa chắc đã ngon hơn các loại rau quả khác.

Giá trị đặc biệt của rau, quả hữu cơ

Rau, quả hữu cơ là những loại hoa màu được trồng theo phương pháp tự nhiên, không có sự tác động bên ngoài của con người đến việc sinh trưởng của chúng.

Rau, quả hữu cơ khá nhỏ nhắn, màu sắc nhạt, không quá bắt mắt, nhưng lại được người tiêu dùng đón nhận ngày càng lớn. Ảnh: NNVN.

Điểm chung của trồng rau, quả hữu cơ là luôn hướng đến việc thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học, đáp ứng các tiêu chí: Không phân bón hóa học; không chất diệt cỏ; không thuốc trừ sâu độc hại; không chất biến đổi gen; không chất kích thích sinh trưởng.

Điều này có nghĩa là rau, quả hữu cơ phải được trồng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên. Để đáp ứng tiêu chí này, đòi hỏi một quy trình trồng trọt và chăm sóc phức tạp, yêu cầu cao. Đây là yếu tố khiến chúng trở thành “món quà đắt đỏ” của tự nhiên.

Nhưng thật ra rau, quả hữu cơ chưa chắc đã hấp dẫn và ngon hơn rau, quả thường. Vì được trồng tự nhiên nên rau, quả hữu cơ khá nhỏ nhắn, màu sắc nhạt, không quá bắt mắt.

Song chúng thắng ở giá trị dinh dưỡng và hương vị tươi mới. Rau, quả hữu cơ có chỉ số dinh dưỡng cao hơn nhiều so với rau, quả thông thường, giàu hàm lượng vitamin C, sắt, magie, phốt pho và một số chất chống oxy hóa có tác dụng chống bệnh ung thư.

Đặc biệt điều quan trọng khiến rau, quả hữu trở thành xu hướng và nhu cầu tất yếu hiện nay là mức độ sạch sẽ, an toàn cho sức khỏe.

Theo Eat This, Not That, một nghiên cứu mới được xem xét từ Nhóm Công tác Môi trường Hoa Kỳ (EWG) đã phân tích 80.000 loại thực phẩm, phát hiện ra rằng các sản phẩm chế biến hữu cơ chứa ít thành phần ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hơn so với thực phẩm chế biến không hữu cơ.

Trồng rau, quả hữu cơ phải bắt đầu từ đất

Đất hữu cơ cho cây hữu cơ. Theo tiêu chuẩn của hiệp hội nông nghiệp thì rau, quả hữu cơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn nước, nguồn giống, không phân bón hay thuốc trừ sâu, nguồn đất và hàm lượng dinh dưỡng. Nhưng để trồng rau, quả hữu cơ thì trước hết phải là đất hữu cơ.

Muốn có rau, quả hữu cơ, trước hết phải xây dựng được nền móng cơ bản là đất hữu cơ. Ảnh: NNVN.

Nguồn đất hữu cơ là một nơi dồi dào vi sinh vật, màu mỡ để trồng các loại cây, kể cả rau, quả hữu cơ khó trồng.

Hiện có nhiều loại rau được trồng theo phương pháp thủy canh với hệ thống tưới nhỏ giọt cũng được gọi là rau hữu cơ. Nhưng với quan niệm của những người nông dân theo hệ đất thì thủy canh hữu cơ là một điều không thể và hoàn toàn không đạt chuẩn.

Làm sao chỉ với chút xơ dừa và bón nguồn thức ăn vào nước tưới đã tạo ra được rau quả hữu cơ? Đối với người tiêu dùng là bạn, sẽ có cái nhìn về vấn đề này như thế nào?

Giá trị dinh dưỡng của nguồn đất mẹ

Trong nguồn đất mẹ hữu cơ có một hệ thống vi sinh đất phát triển rất đa dạng. Các động vật trong đất và vi khuẩn cùng tồn tại, kết hợp với nhau tạo nên những mối quan hệ cộng sinh với cây trồng. Mỗi loại đều có một tác dụng khác nhau đối với đất, tạo ra sự đa dạng nhưng cân bằng và duy trì được thành phần dinh dưỡng trong đất.

Đất hữu cơ là nhân mạch chính để tạo ra rau, quả hữu cơ. Nhờ đó rau, quả hữu cơ mới chứa các hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời mà con người muốn thưởng thức.

Ở mỗi vùng đất riêng biệt, kết hợp giữa yếu tố thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu mà các thành phần vi lượng trong đất sẽ khác nhau, tạo nên sự đặc trưng cho sản phẩm. Điển hình như các loại sản phẩm quý giá như đông trùng hạ thảo chỉ có tự nhiên ở Tây Tạng, hay sâm Cao Ly, sâm Ngọc Linh.

Bạn có thể đem sâm Cao Ly trồng ở Ngọc Linh, với điều kiện khí hậu như nhau, nhưng chắc chắn sẽ không thể đạt kết quả tương tự. Bởi vì thành phần sâm Cao Ly bây giờ đã bị thay đổi do thành phần đất thay đổi. Dù chỉ là một thành phần nhỏ vi lượng thay đổi cũng quyết định được sự đặc biệt của sản phẩm.

Sâm Ngọc Linh đặc biệt ở chỗ nó được trồng ở chính vùng đất rừng tự nhiên, hữu cơ phù hợp nhất. Ảnh: NNVN.

Môi trường đất tự nhiên tạo nên những mối cộng sinh hữu cơ tuyệt vời

Cây có thể phát triển tốt hay không là nhờ có rễ cây. Tuy nhiên, rễ cây lại có khả năng hấp thụ hạn chế và thường không đi tới được những nơi chứa chất dinh dưỡng.

Rau quả nhờ được trồng ở vùng đất hữu cơ, hoàn toàn có thể phát triển tự nhiên với đầy đủ thành phần dưỡng chất mà cây cần. Bởi vì trong đất hữu cơ có những loại vi khuẩn chuyên biệt và nấm mốc chỉ hợp tác với rễ cây tạo nên những mối quan hệ cộng sinh tuyệt vời.

Vi khuẩn rhizobacteria

Mối quan hệ cộng sinh đầu tiên phải kể đến là vi khuẩn rhizobacteria. Vi khuẩn này được hình thành nhờ vào rễ cây họ đậu, là một nơi trú ngụ tuyệt vời cho chúng. Và ngược lại, chúng chuyển hóa nitơ thể khí thành chất dinh dưỡng mà cây có thể hấp thụ được. Nhờ chất phosphate, nó giải phóng chuyển hóa các loại chất dinh dưỡng không hòa tan để cây có thể hấp thụ dễ dàng các khoáng chất.

Vi khuẩn này tồn tại xung quanh rễ cây và hình thành các khuẩn lạc hay còn gọi là các nốt sần ở rễ cây và được nông dân quen gọi là vi khuẩn cố định đạm. Nhờ hình thành xung quanh rễ cây, nó còn có chức năng tạo màng bọc bảo vệ rễ cây, ngăn chặn sự tấn công từ các yếu tố gây bệnh bên ngoài.

Lạc và các cây họ đậu có tác dụng rất lớn trong việc cải tạo đất. Ảnh: Đào Thanh.

Nấm rễ mycorrhiza

Ngoài vi khuẩn rhizobacteria, trong đất còn có một mối quan hệ cộng sinh khác là nấm rễ mycorrhiza. Đây là một loại nấm rễ sinh trưởng tự nhiên trong đất. Tuy rằng hiện nay nó chỉ còn được tìm thấy trong một số ít đất nông nghiệp. Nhưng loại nấm rễ này lại có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Nấm rễ nhờ vào các sợi nấm tơ mảnh có thể dễ dàng xuyên qua các tầng xốp trong lớp đất, đi sâu dưới lòng đất và hình thành một mạng lưới nấm rễ khổng lồ vững chắc. Những sợi nấm này sẽ vận chuyển các chất dinh dưỡng và nước có trong đất đến cho cây hấp thụ.

Nấm rễ càng phát triển tốt, sự hợp tác càng thành công sẽ giúp cây trồng nâng cao sức đề kháng đối với các loại sâu bệnh và phát triển tốt. Nhờ hệ thống nấm rễ tồn tại bao quanh rễ cây, làm cho mầm bệnh không thể tồn tại, đồng thời làm giảm không gian sinh trưởng của cỏ dại.

Để củng cố mối quan hệ hai chiều, cây thực hiện quang hợp sẽ cung cấp một phần glucozơ cho nấm rễ. Và đương nhiên nó cũng chỉ là một phần chất dinh dưỡng không đáng kể so với những gì cây thu được nhờ nấm rễ.

Hãy bắt đầu từ cải tạo đất hữu cơ

Có thể thấy được tầm quan trọng của đất hữu cơ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay thật sự còn bao nhiêu vùng đất được xem là hữu cơ?

Sự lạm dụng sử dụng phân bón tổng hợp và thuốc BVTV đã làm cho đất trở nên nghèo dinh dưỡng và khô cằn. Nhờ nguồn đất hữu cơ mà các cây trồng được bảo vệ bởi các vi khuẩn và nấm mốc. Nhưng phân bón tổng hợp đã làm mất đi sự cân bằng sinh học trong đất, làm biến mất các loại vi khuẩn và nấm mốc bảo vệ cho cây.

Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp làm xấu đất và là tiền đề khiến chúng ta phải sử dụng thuốc BVTV sau này. Và tất nhiên, đất đã không còn là đất hữu cơ, rau cũng không còn sạch.

Không phải chỉ một, hai tháng hay một, hai năm là đã có thể cải tạo thành đất hữu cơ. Mà đó là cả một quá trình lâu dài và xuyên suốt để có thể đưa những mảnh đất nông nghiệp cằn cỗi, sỏi đá trở về trạng thái ban đầu.

Xây dựng nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch. Mục đích của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe, tối ưu năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.

Hãy trồng 1 mảnh vườn rau, quả hữu cơ để có nhiều loại thực phẩm an toàn hơn cho sức khỏe sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Cũng như có một môi trường tự nhiên, trong lành hơn. Sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm hồn luôn cần được nuôi dưỡng.

Phân trùn quế là loại phân bón sinh học an toàn và dinh dưỡng nhất hiện nay. Ảnh: NNVN.

Trên những mảnh đất nông nghiệp, thực hiện quy hoạch thành vườn cây lâu năm, vừa để giữ đất, kết hợp trồng cây rau màu và cây họ đậu vừa cải tạo đất, vừa có thể nâng cao giá trị trên đất.

Phương thức để cải tạo đất cũng là một quá trình thủ công và thuần tự nhiên theo hai phương pháp:

Trồng cây đậu lạc

Ai làm nông nghiệp cũng biết cách truyền thống và hiệu quả nhất là cải tạo đất bằng cách trồng các loại cây họ đậu, đặc biệt là cây đậu lạc. Trồng đậu lạc có tác dụng giữ đất, giúp che phủ đất tốt và giàu dinh dưỡng.

Bởi vì có nhiều vi khuẩn nốt sần tồn tại xung quanh rễ cây giúp cố định nitơ từ không khí, từ đó tạo ra đạm sinh học cho đất. Nhờ sự phát triển của rễ cây, làm cho đất tơi xốp và tăng độ dinh dưỡng của đất.

Sử dụng phân trùn quế

Theo nghiên cứu một loại phân bón sinh học an toàn và dinh dưỡng nhất hiện nay cũng được sử dụng để cải tạo đất là phân trùn quế.

Đây được xem là phân bón hữu cơ tốt cho cây trồng. Phân trùn quế ngoài chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, còn là một môi trường tốt để vi sinh vật đất phát triển. Nhờ đó làm gia tăng hệ sinh học đất, hồi sinh lại đất nghèo dinh dưỡng và chuyển hóa khoáng chất cho cây trồng dễ hấp thụ.

Cây khỏe nhờ đất khỏe

Việc cải tạo đất cũng chỉ là một phần nhỏ trong các giải pháp. Để trồng rau, quả hữu cơ thì nên giải quyết tận gốc nguyên nhân làm đất xấu. Hãy chăm sóc đất trước khi đất chăm sóc lại cây cho chúng ta.

Hãy ngừng sử dụng phân bón và thuốc BVTV, hãy để cho đất và cây có thể tự do phát triển.

Hệ sinh học đất lành mạnh, đất sẽ khỏe. Đất khỏe cây sẽ khỏe. Và nếu cây khỏe mạnh, chúng có thể ngăn chặn hầu hết các bệnh thực vật tấn công chúng. Đất khỏe sẽ tạo ra nguồn thực phẩm hữu cơ. Đất khỏe chính là nguồn nhân mạch tốt nhất, đáng tin cậy nhất để trồng rau hữu cơ. Bởi vì chúng biết cây cần gì để cung cấp và hấp thụ cho cây.

Cao Diệu Yến

Nguồn: nongnghiep.vn

Xác định công tác tư vấn, hỗ trợ và xúc tiến thương mại, cung ứng dịch vụ cho thành viên là nhiệm vụ trọng tâm

Sáng ngày 2/12, cơ quan Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức “Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực tháng 11/2021 và triển khai nhiệm vụ tháng 12/2021”. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chia sẻ, tiếp tục diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tháng 11/2021, trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả theo chủ trương của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam, Thông báo kết luận số 784/TB-LMHTXVN ngày 9/11/2021, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức triển khai có hiệu quả, kịp thời các giải pháp về phát triển kinh tế tập thể, HTX và hoạt động. Bên cạnh đó, tiếp tục xác định công tác tư vấn, hỗ trợ và xúc tiến thương mại, cung ứng dịch vụ cho thành viên là nhiệm vụ trọng tâm.

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, công tác điều hành của Thường vẫn diễn ra nhanh chóng, hiệu quả như Ban hành Kế hoạch của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam phân công trực tiếp chủ trì, tham gia xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng các đề án dự án, một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Liên minh HTX Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025; Quy chế về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam ; UBND 21/63 tỉnh tỉnh đã phê duyệt Điều lệ Liên minh HTX cấp tỉnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 503/CTr-LMHTXVN và các công việc khác theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của chính phủ; Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức thành công Hội thảo “Cơ chế, chính sách huy động và sử dụng nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn” nhằm củng cố thêm cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để bổ sung các luận điểm xây dựng Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trình Ban Chấp hành Trung ương; Hoàn thiện và gửi Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về kinh tế tập thể (Nghị quyết 13) và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012…

Bên cạnh đó, cơ quan Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vẫn hoạt động và duy trì các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao như: Tích cực phối hợp với các bộ, ngành cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược, kế hoạch, dự án, đề án liên quan đến phát triển KTTT, HTX; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin gắn với phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX; Tư vấn hỗ trợ, cung ứng dịch vụ nhất là tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; Tiếp tục cơ cấu tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy định nội bộ của cơ quan Liên minh HTX Việt Nam…

Trong Hoạt động của Ủy ban kiểm tra và công tác kiểm tra: Tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra giám sát cho cán bộ Ủy ban Kiểm tra Liên minh HTX cấp tỉnh; Phối hợp cơ quan chức năng giải quyết đơn khiếu nại của HTX Hợp Tiến (Đắk Nông) và HTX Phúc Thọ (Hà Nội); Xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành về chủ trương và nội dung mẫu phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của HTX đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương; Hoàn thiện các báo cáo kiểm tra theo chỉ đạo của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Triển khai kiểm tra đối với Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thắng Lợi và Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam; Triển khai Kế hoạch số 758/KH-LMHTX ngày 26/10/2021 của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam về việc thực hiện giám sát, báo cáo Đoàn giám sát Quốc hội việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021.

Quang cảnh Hội nghị

Trong Công tác hợp tác quốc tế: Hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định sau hội thảo, ký kết Biên bản ghi nhớ giữa VCA và Satake Nhật Bản, Thỏa thuận hợp tác giữa Liên minh HTX Việt Nam và Công ty cổ phần Sorimachi Nhật Bản; Báo cáo Bộ Ngoại giao về điều ước, thỏa thuận quốc tế của Liên minh HTX Việt Nam năm 2021 và kế hoạch ký kết năm 2022; Tiếp tục làm việc với một số tổ chức về triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới; Tham dự trực tuyến Đại hội đồng khu vực ICA-AP và các hoạt động trong khuôn khổ ĐHĐ từ ngày 28/11-03/12/2021.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Toại, Chánh Văn phòng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết trong tháng 11 cả nước thành lập mới 189 HTX (148 HTX nông nghiệp và 41 HTX phi nông nghiệp); giải thể 30 HTX (21 HTX nông nghiệp và 9 HTX phi nông nghiệp) nâng tổng số HTX hoạt động trên cả nước là 26.661 HTX (vượt 15,5% kế hoạch).

Theo đánh giá, Thường trực Liên minh HTX Việt Nam đã chỉ đạo các ban, đơn vị trực thuộc triển khai hoàn thành 80/122 đầu việc. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam được bầu vào Ban Lãnh đạo Liên minh HTX quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhiệm kỳ 4 năm với số phiếu 200/226 phiếu bầu.

“Một số mặt công tác được đẩy nhanh tiến độ, chất lượng tăng lên như công tác chỉ đạo và xây dựng các báo cáo tổng kết, tuyên truyền, kế hoạch hỗ trợ, xây dựng quy chế, quy định. Tuy nhiên, nhiều công việc lớn, phức tạp cần phải tập trung giải quyết, mới có thể hoàn thành Chương trình công tác năm 2021 (43 đầu việc của các ban, đơn vị; 22 Tờ trình của Thường trực)” – ông Toại nhấn mạnh.

Một số các công việc trọng tâm được Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh tại kết luận Hội nghị, cần thực hiện trong thời gian tới như: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp vào ngày 7/12/2021; Tập trung thực hiện các công việc theo kết luận của Chủ tịch tại Thông báo số 842/TB-LMHTXVN ngày 23/11/2021 về kế hoạch triển khai một số công việc và sự kiện trọng tâm tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022; Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 1328/QĐ-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Liên minh HTX Việt Nam (Kế hoạch số 576/KH-LMHTXVN ngày 25/8/2021); Tập trung hoàn thành Kế hoạch công tác năm 2021; Kế hoạch NSNN năm 2021 theo đúng tiến độ xây dựng phương án và dự kiến phân bổ kế hoạch NSNN năm 2022 cho các đơn vị…

Lê Huy – Quỳnh Trang

Nguồn: VCA

Canada là ‘cửa ngõ’ để Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ

TTO – Với Hiệp định CPTPP, theo phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp, Canada là ‘một cửa ngõ’ để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ, giúp phát triển kinh tế và thương mại của Việt Nam, bao gồm cả TP.HCM.

Canada là cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ - Ảnh 1.
Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp (phải) và Tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM Behzad Babakhani – Ảnh: NGUYÊN HẠNH

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gồm 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Canada.

Trả lời Tuổi Trẻ bên lề hội thảo “Đối thoại với hải quan TP.HCM” do Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM và Cục Hải quan TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 24-11, ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết do vấn đề địa lý và một số điều kiện khác, doanh nghiệp Canada vẫn đóng vai trò khá khiêm tốn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM. 

Tuy nhiên, theo ông, các doanh nghiệp Canada lại là một nhóm giàu tiềm năng.

“Thứ nhất, nền nông nghiệp của hai nước – nông nghiệp nhiệt đới của Việt Nam và nông nghiệp ôn đới của Canada – có thể bổ trợ cho nhau. Thứ hai, các doanh nghiệp Canada cũng rất chủ động, khoa học công nghệ của Canada rất phát triển”, ông Nghiệp nói.

Bên cạnh đó, theo cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, đây “có thể xem là một cửa ngõ để đi vào khu vực Bắc Mỹ”. 

“Nếu chúng ta có thể khai thác được tiềm năng và lợi thế của Canada, kinh tế và thương mại của TP.HCM hay cả nước sẽ có thể phát triển hơn nữa”, ông Nghiệp nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM Behzad Babakhani cho biết năm 2021 là năm thứ 3 kể từ khi CPTPP có hiệu lực.

Kể từ đó, hoạt động thương mại song phương giữa Việt Nam và Canada đã có nhiều phát triển. Kim ngạch thương mại hàng hóa song phương giữa hai nước đạt mức kỷ lục gần 9 tỉ USD trong năm 2020.

“Tôi hy vọng và cũng rất tự tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong 9 tỉ USD này, đa phần là xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada, và chỉ khoảng 700 triệu USD là theo chiều ngược lại. Chúng tôi hy vọng có thể tạo ra sự thịnh vượng chung và đã chứng kiến nhiều dấu hiệu vững chắc cho điều đó”, ông Babakhani nói.

Chủ đề của chương trình hội thảo năm nay là “Tận dụng lợi thế Hiệp định CPTPP – Canada và Việt Nam tiếp tục là đối tác tin cậy, chung tay và phục hồi kinh tế sau đại dịch”. Đây cũng là chương trình đầu tiên trong chuỗi chương trình do Tổng lãnh sự quán Canada và Cục Hải quan TP.HCM phối hợp thực hiện trong thời gian sắp tới.

Việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Canada, giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi.

Sự kiện nhằm tạo không gian đối thoại mở giữa các doanh nghiệp xuất khẩu từ Canada, doanh nghiệp nhập khẩu tại Việt Nam và Cục Hải quan TPHCM về các chủ đề liên quan đến quy định ngoại thương, xuất nhập khẩu hàng hóa, định giá hải quan, chứng nhận xuất xứ…

Nguồn: tuoitre.vn

Nhật Bản đẩy nhanh quá trình cấp phép nhập khẩu nhãn Việt Nam

Phía Nhật Bản đang xem xét tích cực đẩy nhanh quá trình cấp phép nhập khẩu nhãn của Việt Nam trong niên vụ 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ngài Suga Yoshihide, cựu Thủ tướng Nhật Bản và ngài Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt dự Lễ xuất hành quả quýt Unshu sang thị trường Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ngài Suga Yoshihide, cựu Thủ tướng Nhật Bản và ngài Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt dự Lễ xuất hành quả quýt Unshu sang thị trường Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 23/11, tại Tokyo, Nhật Bản, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, cựu Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP), Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt Nikai Toshihiro và các thành viên Liên minh.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dự Lễ xuất hành đưa quýt Unshu của Nhật Bản sang thị trường Việt Nam. Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan chức năng của hai nước đã có các hoạt động tích cực để thúc đẩy việc xuất nhập khẩu sang thị trường của nhau các loại hoa quả đặc sản như quýt Unshu, vải và nhãn của Việt Nam. Phía Nhật Bản đang xem xét tích cực đẩy nhanh quá trình cấp phép nhập khẩu nhãn của Việt Nam trong niên vụ 2022.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam; bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt – Nhật đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao; trân trọng cảm ơn Ngài Suga Yoshihide và Ngài Nikai Toshihiro đã tích cực thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp vacxin cho Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam thời gian vừa qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của cựu Thủ tướng Suga và Chủ tịch Nikai cũng như các thành viên Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên các lĩnh vực, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân; cảm ơn những tình cảm hữu nghị, chân thành đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cựu Thủ tướng Suga, Chủ tịch Nikai và Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị tiếp tục có những đóng góp vào việc tăng cường hợp tác giữa Quốc hội, giao lưu nghị sĩ, các nhà lãnh đạo trẻ hai nước, đồng thời phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức Nghị sĩ hữu nghị của hai nước.

Cựu Thủ tướng Suga Yoshihide và Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt Nikai Toshihiro ôn lại những kỉ niệm và ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam. Nhất trí cao với các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Nikai khẳng định Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả cho việc củng cố và tăng cường quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, thúc đẩy các hoạt động góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, trong đó có thế hệ trẻ, góp phần mở ra những cơ hội mới cho hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên.

Phạm Hiếu

Nguồn: nongnghiep.vn

Bắt kịp xu thế tăng trưởng xanh

(NLĐO) – Đứng trước 3 biến động lớn là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và sự dịch chuyển xu thế tiêu dùng, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm thích ứng với bối cảnh mới.

Tại Nghị quyết 124 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ nhiệm vụ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu… Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 cũng nêu nhiệm vụ phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Không thể đứng ngoài xu thế

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp Việt Nam đang “giằng xé” giữa những con số về sản lượng trên báo cáo với giá trị gia tăng thu được trên thực tế. Trong đó, tư duy kinh tế lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu chứ không phụ thuộc vào sản lượng lớn hay nhỏ. “Một thời nông dân nghĩ sản xuất được sản lượng nhiều thì thu nhập cao hơn. Điều đó là phi thị trường, phi kinh tế. Có những lúc được mùa mất giá, nông dân càng bán lại càng lỗ, cho thấy có sự khập khiễng trong tư duy về sản xuất nông nghiệp. Làm sao để chuyển đổi tư duy từ phía nông dân đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), địa phương và cơ quan quản lý thì mới có thể xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề.

Thay đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn là đòi hỏi bắt buộc – Trong ảnh: Nhà sơ chế rau hữu cơ tại Nhà Bè – TP HCM (Ảnh: NGỌC ÁNH)

Phân tích rõ hơn về nguyên nhân buộc nền sản xuất nông nghiệp phải thay đổi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói Việt Nam đang đứng trước 3 biến động lớn là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và sự dịch chuyển xu thế tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng không còn cần ăn đủ, ăn nhiều mà chuyển sang nhu cầu ăn ngon, sạch, dinh dưỡng hài hòa. Tương tự, nếu trước kia câu chuyện an ninh lương thực chỉ gắn với lúa gạo thì nay cần tiếp cận tư duy bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng. Không dừng ở đó, xu thế mới hiện nay trên thế giới là tiêu dùng xanh, tức quá trình sản xuất sản phẩm không tác động tới biến đổi khí hậu, không làm tăng lượng CO2… “Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tất cả các quốc gia cam kết cắt giảm khí thải CO2 vào năm 2030. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới mới đây cũng đưa ra cảnh báo trong tương lai, bao bì sản phẩm nông nghiệp sẽ ghi rõ tiêu chuẩn không phát thải CO2” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu những áp lực cụ thể để nền nông nghiệp Việt Nam thay đổi.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để làm được điều này, ông cho rằng cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, bảo đảm hài hòa trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.

Tại Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức sáng 29-10, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay chiến lược này nhằm đưa Việt Nam “đi tắt đón đầu”, bắt kịp, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Khát vọng này thể hiện ở việc Việt Nam quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái…

“Xanh hóa” để tăng giá trị gia tăng

PGS-TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nêu quan điểm việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu sẽ giúp tăng cường xuất khẩu hàng hóa do dễ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm dịch động thực vật của nước nhập khẩu; giúp kiểm soát tốt hơn mặt hàng xuất khẩu của các DN; bảo vệ môi trường và kiểm soát rác thải, phế liệu tốt hơn…

“Tuy nhiên, mức độ “xanh hóa” chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, thiếu đồng bộ. Cần đổi mới tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng lực triển khai chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong nước trong việc sử dụng các sản phẩm nông sản xanh; xây dựng, công bố các tiêu chuẩn xanh và công nhận các nguyên liệu xanh cho các tổ chức sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, có thể xây dựng các mô hình liên kết để phát triển và hình thành các sáng kiến xanh hóa chuỗi cung ứng nhằm cắt giảm chi phí. Đặc biệt, cần cao ý thức của DN về vấn đề bảo vệ môi trường” – PGS-TS Tạ Văn Lợi gợi ý.

Giới chuyên gia cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam với mức độ phát triển hiện nay là nhân tố quan trọng của quốc gia trong nỗ lực trở thành một nước công nghiệp phát triển. Do đó, cần có chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, kết hợp chuyên môn hóa với phát triển tổng hợp. Đặc biệt, phát triển theo hướng kết nối ngành hàng, theo chuỗi giá trị gia tăng ngành nông sản; phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững, chú trọng các sản phẩm hữu hình và các sản phẩm vô hình như không khí, cảnh quan, môi trường…

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ KH-ĐT), cho rằng để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, các bộ – ngành cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; phối hợp liên vùng, liên ngành; tích hợp mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu.

Để huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, cần hoàn thiện chính sách, công cụ huy động nguồn lực, hỗ trợ, ưu đãi tài chính; phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, bảo hiểm xanh, hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường…

Hoài Dương

Nguồn: NguoiLaoDong

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19

Vào lúc 20h ngày 19/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Hình thức tổ chức được thực hiện truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.

Nhằm lan toả ý nghĩa, tinh thần Lễ tưởng niệm tới nhân dân cả nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ngày 18/11 đã có công văn số 829/LMHTXVN-TTTT về việc tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và tưởng niệm, tri ân cán bộ, chiến sĩ các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, để tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, thành viên và người lao động trong công tác tham gia phòng, chống dịch Covid-19, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và hệ thống Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh/thành phố cùng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 2276-CV/VPTW ngày 08/11/2021, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19”.
Theo đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng Liên minh Hợp tác xã tỉnh/thành phố thực hiện một số nội dung như:

– Tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với chủ trương chung để hưởng ứng Chương trình do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

– Tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Lễ tưởng niệm với những tin, bài về các hoạt động của khu vực Kinh tế tập thể, Hợp tác xã và hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong công tác tham gia phòng, chống và hỗ trợ khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và những bài viết về những hy sinh, mất mát và lan toả những tấm gương cao đẹp quên mình trong cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19.

– Đặc biệt, dừng tổ chức các sự kiện văn hoá, văn nghệ, vui chơi, giải trí của cơ quan, đơn vị trong thời gian tổ chức Lễ tưởng niệm.

Quỳnh Trang

Nguồn VCA