Category Archives: Tin tức

Để nông sản không bị ‘ngăn sông cấm chợ’ vì… COVID -19

Hiện nay, vẫn đang xảy ra tình trạng có địa phương áp dụng quy định phòng chống dịch COVID-19 rất khắt khe nên đã không cho xe vận chuyển nông sản từ vùng có dịch đi qua dù có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh từ phía cơ quan y tế. Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ phía các bộ, ngành địa phương để nông sản được thông thương.

Chiều ngày 7/6, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp bàn tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các tỉnh.

Còn ‘ngăn sông cấm chợ’ 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, không chỉ vải thiều ở Bắc Giang mà nhiều loại trái cây đến mùa vụ như thanh long, nhãn cũng cần thị trường để tiêu thụ. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, dẫn đến việc vận chuyển hàng nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là vận chuyển, luân chuyển hàng hóa nông sản ở thị trường trong nước, ra cửa khẩu để xuất khẩu.

van-chuyen-nong-san-6802-1623056588.png
Cần thống nhất quy trình, tháo gỡ ách tắc trong khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản. 

Từ tâm dịch Bắc Giang, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ Tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) cho biết, vụ chính của vải thiều sẽ được thu hoạch vào ngày 10/6, song điều lo ngại nhất của HTX hiện nay vẫn là làm sao khâu vận chuyển được thông suốt.

Theo ông Dũng, vải thiều là mặt hàng rất khó bảo quản, xe chở hàng đi mà bị trả về thì xem như bỏ đi vì chất lượng bị giảm rất mạnh, ngay cả đưa vào lò sấy cũng không được. “Chúng tôi mong muốn các địa phương khác đừng “ngăn sông cấm chợ” với xe hàng vận chuyển vải thiều Bắc Giang, tạo điều kiện cho vải thiều được chuyển đi tiêu thụ nếu đã đảm bảo các yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch bệnh”, ông Dũng nói.

Được biết, đề nghị của đại diện HTX Hồng Xuân được đưa ra trong bối cảnh dù các lái xe đã được huyện Lục Ngạn cấp giấy thông hành để chở vải đi tiêu thụ. Tuy nhiên, đã có một số chuyến hàng từ Lục Ngạn chở vải sang tỉnh Bắc Ninh tiêu thụ vẫn bị phía Bắc Ninh không cho phép lái xe chở hàng vào, nên buộc phải quay đầu xe chở hàng về.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khó khăn nhất với tiêu thụ nông sản là vận chuyển, lưu thông nông sản giữa tỉnh với tỉnh, các chốt kiểm soát dịch COVID-19 áp dụng biện pháp đôi khi quá mức cần thiết, không cho nông sản từ địa phương khác đi qua dù có giấy chứng nhận nông sản an toàn, xác nhận xét nghiệm với lái xe. Đồng thời, các địa phương cũng phản ánh cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm cũng khiến người sản xuất gặp khó khăn.

‘Kích hoạt’ luồng xanh cho nông sản 

Theo đó, ông Toản cho biết các địa phương đề nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công Thương rà soát hoạt động vận tải đi, đến đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các Bộ cần kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc sản xuất kinh doanh. Cụ thể, yêu cầu UBND tỉnh cho phép tiêu thụ, lưu thông nông sản từ các vùng có dịch nhưng có giấy xác nhận an toàn của cơ quan y tế địa phương.

Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính giảm giá cước vận tải, phí dịch vụ tại cửa khẩu, cảng biển… Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho lái xe, cấp sổ thông hành COVID-19 cho lái xe chở hàng qua cửa khẩu biên giới. Bộ Tài chính ưu tiên tạo điều kiện thông quan nhanh nhất cho nông sản, trên tinh thần là ngăn chặn dịch bệnh nhưng “không được ngăn sông cấm chợ”.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Thủ tướng đã có chỉ đạo không được “ngăn sông cấm chợ”, tuy nhiên do mỗi địa phương nhận thức khác nhau, nên có những ứng xử không đồng nhất, dẫn đến khó khăn vận chuyển nông sản. Trong khi nông sản có tính thời điểm, mùa vụ ngắn ngày. Chậm một ngày, vừa phát sinh chi phí, vừa giảm giá trị nông sản. Do đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng các bộ, ngành cần ngồi với nhau để thống nhất quy trình vận chuyển, tháo gỡ ách tắc.

Ông Hoan cũng dẫn thông tin như Trung Quốc – họ ứng phó đại dịch, khi nông sản bị ùn ứ đã có nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn như về mở rộng thị trường, kết nối cung cầu… Đặc biệt, Trung Quốc có chủ trương kích hoạt “luồng xanh” để nông sản vận chuyển nhanh đến thị trường. 

Trước đề nghị của Bộ NN&PTNT về việc cấp sổ thông hành cho lái xe chở hàng qua biên giới, đại diện Bộ Ngoại giao cho hay, theo quy định thì chỉ được cấp cho cư dân biên giới, đây là vấn đề song phương phải được sự đồng thuận của 2 quốc gia, phải có hiệp định để điều chỉnh. Nếu cấp cho lái xe Việt Nam thì 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) cũng có quyền cấp giấy thông hành để lái xe của họ sang bên Việt Nam. Do vậy, đề nghị này cần phải bàn thảo và xem xét thêm.

Trong thời gian tới, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết sẽ có thư, công hàm trao đổi trực tiếp để phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cũng cần nắm được thông tin cụ thể của từng loại mặt hàng mà Việt Nam đang gặp khó khăn cũng như có nhu cầu xuất khẩu.

Trong khi đó, đại diện Bộ GTVT cho biết ngày 31/5, Bộ này đã có hướng dẫn chi tiết tới đơn vị vận tải để phối hợp, thực hiện biện pháp nắm bắt các nguồn hàng tại các địa phương, thực hiện các bước hướng dẫn của Bộ Y tế làm sao vận chuyển tốt nhất hàng hóa.

Liên quan tới phản ánh về khó khăn cước phí vận chuyển, Bộ GTVT cho biết đã tập hợp và đang xem xét để hỗ trợ các DN vận tải trong thời gian tới.

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Thy Lê

Nguồn: Để nông sản không bị ‘ngăn sông cấm chợ’ vì… COVID -19 (vnbusiness.vn)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tổng lực ra quân tìm thị trường cho nông sản

Đây là lúc cần tổng lực ra quân để tìm thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản, tình hình hiện nay đang rất cấp bách, bà con nông dân, hợp tác xã (HTX) rất nóng ruột. Điều này đòi hỏi Bộ NN&PTNT cần có lời giải mang tính dài hạn, bền vững về bài toán thị trường cho nông sản Việt, chứ cứ dư thừa thì mới ra quân thì giá trị nông sản sẽ sụt giảm. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ điều này trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ảnh hưởng tới đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản, khiến nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp đang rơi vào tình cảnh “đứng ngồi không yên”. 

Thưa Bộ trưởng, trước tình hình cấp bách về đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản như vải thiều, dưa hấu, dứa…, ngành NN&PTNT sẽ có giải pháp gì? 

-Thực tế ở nền nông nghiệp Việt Nam, chúng ta vẫn hay nói là giải cứu. Đúng là cũng có nhiều điểm giải cứu nhưng có lẽ nên bỏ từ giải cứu, vì nó giống với sự thương cảm, thương xót. Trong khi đó, chúng ta cần hành động cụ thể hơn.

Tôi để ý các điểm giải cứu nông sản tự phát do người dân tự tổ chức và cảm nhận rõ lòng thương của người dân Việt Nam là rất lớn nhưng có lẽ cần hành động nhất quán hơn, nhất là đảm bảo công tác phòng chống dịch. Nhiều điểm tạm gọi là giải cứu, nhưng có tình trạng người dân chen chúc nhau mua, mua về rồi dùng không hết.

Mọi sản phẩm nông nghiệp cần được nâng niu hơn, tạo ra giá trị nhiều hơn, đó là công sức của bà con nông dân. 

Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch trong dài hạn về giải pháp tiêu thụ nông sản. Thực ra câu chuyện dù có COVID-19 hay không, lâu nay vẫn xảy ra hiện tượng cung vượt cầu. Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch hoạt động một cách chính quy, đảm bảo chất lượng nông sản. Từ mô hình này trở thành hệ thống hỗ trợ tiêu thụ nông sản được tổ chức từ Trung ương tới địa phương.

Đầu tháng 6, chúng tôi sẽ ra mắt điểm chuẩn hóa mô hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch. Chúng tôi kêu gọi xã hội hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bảo vệ mình trong bối cảnh dịch bệnh.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam bàn chương trình kết nối cung cầu, lâu nay nhiều lúc không khớp vì thiếu thông tin. Câu chuyện giải cứu hành tím Vĩnh Châu vừa qua cho thấy, hành tím rớt giá xuống 5.000 – 6.000 đồng/kg, song người dân ở Đắk Lắk cho biết vẫn phải mua 45.000 đồng/kg, thậm chí không có hành tím mà mua. Rõ ràng, câu chuyện kết nối thị trường nội địa có vấn đề, thông tin không cân xứng, dư thừa cục bộ do không có thông tin.

Vậy, Bộ NN&PTNT có kiến nghị gì tới Chính phủ để hỗ trợ thúc đẩy thêm vấn đề này? 

-Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ hơn nữa cho đơn vị vận tải nông sản trong nước, để không “ngăn sông cấm chợ”, làm khó nông sản vì vận chuyển chậm thì sẽ hư hỏng.

Trong dài hạn, thiết lập kênh thông tin hai chiều, không đợi để sản phẩm thu hoạch rồi mới thấy thừa hay thiếu. Trước thu hoạch 15-20 ngày, Sở NN&PTNT các địa phương chủ động thông tin về Bộ để chúng tôi chủ động thông tin đến hệ thống phân phối, chứ không thể để lúa, xoài chín đầy ruộng, đầy vườn mới truyền thông, kêu gọi giải cứu thì nền nông nghiệp phát triển không ổn định.

Quay trở lại câu chuyện vải thiều, vừa qua một số địa phương cũng đưa ra kịch bản sẽ tiêu thụ ở thị trường trong nước đến 90% khi dịch bệnh COVID-19 làm tắc nghẽn xuất khẩu. Điều này có khả thi không, thưa ông? 

-Thực ra, đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa biết tuần sau dịch bệnh thế nào, do vậy vấn đề cần làm tốt nhất là khơi thông thị trường. Theo đó, các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ đi tới khảo sát ở các cửa khẩu phía Bắc, làm việc với cơ quan chức năng bên phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi thông quan nông sản. 

Còn tôi sẽ họp cùng với các hệ thống phân phối để quả vải có thị trường đầu ra, đỡ rủi ro nhất. Hiện, tỉnh Bắc Giang mới đầu vụ, chưa chính vụ. Sau đó, ước tính sẽ tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu bao nhiêu, thống kê còn lại tiêu thụ nội địa bao nhiêu để có giải pháp cho trái vải ở thị trường nội địa. 

Chiều hôm nay (ngày 31/5), tôi có mời các hệ thống phân phối lên Bắc Giang để chính siêu thị kết nối thị trường cho bà con. Đây là lúc tổng lực ra quân, tình hình cấp bách, bà con nóng ruột, đòi hỏi Bộ NN&PTNT có lời giải mang tính chất dài hạn, bền vững chứ cứ dư thừa mới ra quân thì giá trị nông sản xuống thấp. 

Bộ trưởng cũng cho rằng cần có giải pháp dài hạn về bài toán đầu ra cho nông sản. Vậy, giải pháp đó là gì? 

-Trước hết, chúng ta phải có thông tin sản xuất, tiêu thụ. Dịch COVID-19 xảy đến đã cho thấy một vấn đề là không đợi dư thừa thì mới ra quân. Mỗi Sở NN&PTNT địa phương phải xác định trách nhiệm không chỉ giúp bà con sản xuất nhiều nông sản mà cần chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, bởi không kết nối được thị trường thì bị động tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, chúng ta cần thiết lập giải pháp chuyển đổi số nắm bắt thông tin trường, giữa HTX với đơn vị phân phối. Bộ NN&PTNT xây dựng kho dữ liệu để cập nhật thường xuyên cho hệ thống phân phối biết ở tỉnh này sẽ chuẩn bị sản lượng nông sản chừng ấy, để hệ thống phân phối chủ động kho bãi, vận chuyển, xúc tiến tiêu thụ.

Đồng thời, thông qua bưu điện để vận chuyển nông sản theo phương thức từ vườn tới hệ thống phân phối. Điều này sẽ hạn chế rủi ro phòng chống COVID-19, giúp kết nối nhanh thị trường, có số liệu giữa cung – cầu hạn chế tình trạng như giải cứu, lo lắng về đầu ra.

  Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nguồn: Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tổng lực ra quân tìm thị trường cho nông sản (vnbusiness.vn)

Giữa dịch COVID-19, giá xuất khẩu nông sản vẫn tăng mạnh

5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng như hạt tiêu, cà phê, chè, cao su, gạo có giá xuất khẩu tăng rất mạnh. 

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong 5 tháng đầu năm 2021.

XK-nong-san-3435-1622862714.jpg
5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 10,99 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo, trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản có sự gia tăng nhưng nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung lại giảm nhẹ so với tháng trước. 

Mặc dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông, thủy sản vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhóm nhiên liệu khoáng sản vẫn trong xu hướng giảm. 

Phân tích kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản, Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu tháng 5/2021 ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng 04/2021 và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 10,99 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nhìn chung các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 93,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 548 nghìn tấn, trị giá 923 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng tăng trưởng 27,5%, tương tự, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm này là thủy sản và hàng rau quả cũng tăng lần lượt là 12% và 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu giảm 15,6% về lượng nhưng kim ngạch tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 124 nghìn tấn, trị giá 387 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu là do giá hạt tiêu tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm nay, với mức giá xuất khẩu bình quân đạt 3.127 USD/tấn, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2020. 

Cùng với hạt tiêu, giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác trong 5 tháng đầu năm nay cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020 như cà phê tăng 7,3%, chè tăng 3,2%, cao su tăng 22,3%, sắn và sản phẩm sắn tăng 10,4%…

Đối với mặt hàng gạo, dù khối lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bù lại giá xuất khẩu gạo lại tăng tới 11,9% (đạt bình quân 543 USD/tấn). Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu gạo thu về trong 5 tháng đầu năm 2021 không giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ giảm 0,7%. 

Theo đó, Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lo ngại hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Còn trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan phải áp đặt phong tỏa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới. 

Nhật Linh 

Nguồn: Giữa dịch COVID-19, giá xuất khẩu nông sản vẫn tăng mạnh (vnbusiness.vn)

Hiến kế giải ‘bài toán’ tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã vùng dịch

Vấn đề tiêu thụ nông sản cho các HTX, đặc biệt là các HTX tại những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là một “bài toán” khó, đòi hỏi sự vào cuộc mang tính hành động của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân cả nước để tìm lời giải.

Từ nay đến cuối tháng 8/2021 sẽ là thời gian cao điểm tiêu thụ nông sản tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, với hàng trăm nghìn tấn sản phẩm các loại. Các mặt hàng nông sản như vải thiều, dưa hấu, dưa lê, na, hay gia súc, gia cầm… mang tính thời vụ, nếu không được hỗ trợ đầu ra kịp thời sẽ khiến công sức của người nông dân “đổ sông, đổ biển”.

Thần tốc theo phương châm “4 nhất”

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản cho HTX trong vùng dịch tổ chức ngày 1/6, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đang tăng cường phối hợp để đưa ra các giải pháp mở cửa thị trường, đảm bảo giá bán nông sản cho các HTX, tổ hợp tác.

1111-6425-1622539504.jpg
Liên minh HTX Việt Nam đang đưa ra các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ tiêu thụ cho các HTX chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 Ngay từ những ngày đầu tháng 5, hàng loạt các giải pháp căn cơ, trực diện đã được Liên minh HTX Việt Nam đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên cả nước.

Đặc biệt, ở hai “điểm nóng” Bắc Giang và Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh khẳng định, Liên minh HTX Việt Nam sẽ vào cuộc dựa trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Chính Phủ, với các giải pháp mang tính thần tốc, chủ động, quyết liệt, kịp thời và mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho người dân.

“Các chương trình hỗ trợ sẽ không vì mục đích lợi nhuận, mà tập trung mọi nguồn lực vào việc tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thành viên, nông dân trên địa bàn các tỉnh có dịch, đặc biệt là Bắc Giang. Việc tiêu thụ sẽ dựa theo phương châm “4 nhất”, gồm tiêu thụ nhanh nhất, sản lượng lớn nhất, chất lượng tốt nhất và hiệu quả thiết thực nhất”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cũng cho biết, Liên minh HTX Việt Nam cam kết đồng hành và phối hợp với các đơn vị liên quan trong hệ thống nhằm giải quyết các thủ tục, vướng mắc với các tỉnh, thành phố, nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra.

Trước đó, Liên minh HTX Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, đặc biệt là thành viên HTX trên địa bàn.

Trong quá trình làm việc, UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, cam kết sẽ cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ của Liên minh HTX Việt Nam những mặt hàng nông sản chất lượng cao, 100% đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh,…

Đơn cử, với vấn đề an toàn dịch bệnh, các sản phẩm xuất phát từ vùng dịch sẽ có giấy chứng nhận an toàn, hệ thống xe, phương tiện vận chuyển được phun khử khuẩn, lái xe được xét nghiệm, tiêm vắc xin. Việc di chuyển cũng sẽ được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện thuận lợi nhất. 

Theo khảo sát, có 3 nhóm hàng nông sản “nóng” nhất trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hiện tại.  Thứ nhất là mặt hàng trồng trọt với trên 1.100 ha rau màu, 600 ha dưa hấu, hàng trăm ha nhãn, na, dứa, đặc biệt là hơn 180.000 tấn vải thiều, trong đó khoảng hơn 130.000 tấn chính vụ vào trung tuần tháng 6. Thứ hai là nhóm hàng thủy sản, với trên 2.000 ha nuôi trồng, sản lượng ước tính trên 17.000 tấn. Thứ ba là nhóm hàng gia súc, gia cầm với tổng đàn hàng triệu con, trong đó áp lực lớn nhất đến từ gần 1 triệu con lợn và hơn 2,2 triệu con gia cầm, chủ yếu là gà, vịt thương phẩm.

Để giảm áp lực, hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Liên minh HTX Việt Nam đã thành lập Quỹ hỗ trợ HTX phòng chống Covid-19 trên toàn quốc, huy động nguồn lực từ các HTX, doanh nghiệp, tổ chức… nhằm hỗ trợ những đơn vị khó khăn, với phương châm “đi đường dài”, bởi dịch bệnh xác định sẽ khó chấm dứt trong một sớm, một chiều.

Liên minh HTX Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhằm giãn nợ, giảm lãi suất, tiếp tục cho vay ưu đãi, giúp các HTX ổn định hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho thành viên, người lao động. Công tác kết nối với hệ thống siêu thị để tạo thêm đầu ra cho nông sản HTX cũng được xúc tiến.

Bac-Giang-9015-1622681733.png
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh (áo trắng đứng giữa) trao số tiền Liên minh HTX Việt Nam ủng hộ tỉnh Bắc Giang.

Ở góc nhìn của một đơn vị “tiền tuyến” trực tiếp thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ, ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Việt Nam cho biết, việc bao tiêu sản phẩm cho các HTX tại các vùng có dịch đang được thực hiện với 2 hình thức là trực tiếp và online (bán hàng trực tuyến).

Dù được địa phương tạo nhiều điều kiện về pháp lý, các HTX chủ động cung ứng nguồn hàng chất lượng cao, song các đơn vị hỗ trợ tiêu thụ nông sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đơn cử, trong việc mở các điểm bán hàng hỗ trợ, công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn theo nguyên tắc 5K, là một thách thức không nhỏ. Việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện tại cũng không phải là việc đơn giản, đòi hỏi các loại máy móc hiện đại, phát sinh nhiều chi phí…

“Câu hỏi đặt ra là làm sao mở rộng quy mô, tiêu thụ được nhiều nông sản nhất cho HTX, người nông dân trong vùng dịch, bởi hiện tại số lượng được hỗ trợ vẫn chỉ như “muối bỏ bể”. Đây là vấn đề cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng, các cơ quan chức năng”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Thần tốc với 7 giải pháp

Trong hàng loạt thách thức đặt ra, để giải “bài toán” tiêu thụ nông sản trong thời kỳ dịch bệnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần thực hiện đồng thời 7 giải pháp mang tính thần tốc, gồm mở điểm bán hàng trực tuyến tại các thành phố lớn, kết nối tiêu thụ qua các siêu thị, tiêu thụ qua các chợ đầu mối, thông qua hệ thống Liên minh HTX các tỉnh, huy động sự ủng hộ của các HTX thành viên, thúc đẩy thương mại điện tử và xúc tiến xuất khẩu.

Trong đó, có 4 giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, giúp các HTX phát triển bền vững là đưa hàng vào siêu thị để nâng cao giá trị hàng hoá, kết nối các chợ đầu mối để mở rộng khách hàng, thúc đẩy bán hàng qua thương mại điện tử và hướng mạnh tới xuất khẩu hàng hóa. 

11111111111-4618-1622542067.jpg
 

Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam khẳng định, cần đa dạng các giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, và đặc biệt là ổn định giá bán cho nông sản vùng dịch.

Ngay từ đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, với nhiều điểm bán hàng trực tiếp, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, qua đó tiêu thụ thành công hàng trăm tấn nông sản.

Kể từ nay đến cuối tháng 8, khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực ở 2 “điểm nóng” Bắc Giang và Bắc Ninh vào mùa, đặc biệt là hơn 130.000 tấn vải chính vụ sẽ bắt đầu “bung hàng” từ ngày 10/6 tới, Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam sẽ tiếp tục mở các gian hàng để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

“Tuy nhiên, khác biệt trong lần này là tình hình dịch bệnh lan rộng, đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải chặt chẽ hơn. Công tác bán hàng trực tuyến sẽ được ưu tiên để vừa đảm bảo an toàn, vừa nâng cao sản lượng tiêu thụ”, ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin.

Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác cho rằng, trong thời kỳ dịch bệnh, việc mở các quầy hàng bán cho khách qua đường tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy cần tập trung vào bán hàng trực tuyến với sự tham gia của các đơn vị cụ thể như chung cư, doanh nghiệp, trường học…

Đặc biệt, cần vận động các HTX ở các địa phương khác trợ lực tiêu thụ cho các HTX trong vùng dịch. Với hàng trăm nghìn HTX và tổ hợp tác trên cả nước, nếu đoàn kết hỗ trợ nhau, đây sẽ là thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng.

Trong trường hợp mở các điểm tiêu thụ trực tiếp, bên cạnh các giải pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, các gian hàng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm cao, chất lượng phục vụ tốt, có niêm yết giá rõ ràng, chuyên nghiệp như ở các siêu thị để “ghi điểm” với người tiêu dùng.

Hàng loạt các giải pháp được đưa ra, tuy nhiên, để các HTX đi đường dài, khẳng định vị thế trên thị trường, cần phải có những giải pháp mang tính bền vững, tránh tình trạng đầu năm hỗ trợ ở Hải Dương, cuối năm hỗ trợ ở Bắc Giang, như một vòng luẩn quẩn không có lối ra.

Để đạt được mục tiêu trên, trong những năm qua, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, toàn hệ thống Liên minh HTX cũng đang đẩy mạnh các giải pháp dài hạn như tăng cường hỗ trợ các đơn vị nâng cao năng lực sản xuất, khả năng kết nối thị trường, phát huy hiệu quả của các HTX thương mại…

Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông nhằm tạo hiệu ứng, sức lan tỏa trong xã hội, qua đó gây dựng niềm tin, thu hút sự chung tay của cả cộng đồng, các doanh nghiệp, HTX.

Sau mỗi “chiến dịch” hỗ trợ tiêu thụ, Liên minh HTX Việt Nam sẽ có sơ kết, tổng hợp để đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về các giải pháp căn cơ, lâu dài cho sự phát triển bền vững của HTX, ngay cả sau khi kiểm soát được dịch bệnh. 

Bên cạnh đưa ra các giải pháp để kết nối thị trường, giải “bải toán” đầu ra sản phẩm cho HTX, người nông dân, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh và đại diện các đơn vị “tuyến đầu” trực tiếp tiêu thụ là Liên hiệp HTX Việt Nam, Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam… cũng thống nhất không dùng từ “giải cứu” trong chiến dịch lần này.

Bởi, khi dùng từ “giải cứu” sẽ dễ khiến người sản xuất cảm thấy bi quan, còn với người tiêu dùng thì sẽ gây ra sự băn khoăn về mặt chất lượng, “lý lịch” sản phẩm, dẫn tới việc tốc độ tiêu thụ bị ảnh hưởng.

“Việc tìm lời giải “bài toán” thị trường cho HTX trong thời kỳ dịch bệnh sẽ đối diện với những thách thức lớn, tuy nhiên cần phải lấy thực tiễn làm thước đo cho hành động, đưa ra những giải pháp thiết thực, tránh đổ vỡ. Khó khăn, nhưng nếu có sự chung tay của cả hệ thống, các HTX, đồng thời có sự đồng hành của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, và đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân cả nước, thành công sẽ đến”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.

Nguồn: Hiến kế giải ‘bài toán’ tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã vùng dịch (vnbusiness.vn)

Hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ nhất, khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Sáng ngày 08/3, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ nhất, khoá VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Tham gia hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; các đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ, các Ban, đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam báo cáo các nội dung chuyên đề.

Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam, khoá VI, họp lần thứ nhất, tập trung vào các nội dung chính: Báo cáo tình hình phát triển KTTT, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo công tác tổ chức Đại hội Liên minh HTX Việt Nam và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo tình hình thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của hệ thống năm 2020; nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1120/QĐ-LMHTXVN ngày 26/10/2018; Báo cáo về xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020; định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2021-2025; Quy chế lựa chọn xây dựng, nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị, hiệu quả bền vững; Quy chế hỗ trợ HTX phát triển sản xuất; Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2020-2025; Phân công nhiệm vụ Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2020-2025;…

Quang cảnh hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam

Theo báo cáo tình hình phát triển KTTT, hợp tác xã của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam năm 2020, số lượng hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) tiếp tục tăng, thành lập mới 2.153 HTX, 17 liên hiệp HTX, 3.000 THT; đến cuối năm 2020, cả nước có 25.454 HTX, tăng 836 HTX; 102 liên hiệp HTX, 119.399 THT. Trong đó có 16.520 HTX nông nghiệp; 1.188 Quỹ tín dụng nhân dân.

Theo đó, khu vực KTTT, HTX thu hút hơn 8,1 triệu thành viên, chiếm 33% tổng số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn; 96% HTX được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; giải thể 811 HTX, 06 liên hiệp HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 56%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 3,5 triệu đồng/người/tháng; Cả nước có 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.913 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị…

Quang cảnh hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam

Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh năm 2020 là năm diễn ra với nhiều sự kiện quan trọng của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, tham mưu và triển khai thực hiện kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương về phát triển KTTT, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KTTT, HTX…. Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam triển khai nhiều họat động sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực KTTT và thành viên; tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX; vị thế, uy tín của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam ở trong nước và các tổ chức quốc tế nâng thêm một tầm cao mới.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận về các vấn đề về triển khai nhiệm vụ 2021; dự thảo Quy chế làm việc của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Liên minh HTX Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quy chế lựa chọn xây dựng, nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị, hiệu quả bền vững; Quy chế hỗ trợ HTX phát triển sản xuất; kế hoạch tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết dựa trên những kết quả đã đạt được, KTTT, HTX trong năm 2021 tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Về một số nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm 2021, đồng chí Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đề nghị các các ban tham mưu, các đơn vị sự nghiệp; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam trên cương vị, trách nhiệm và nhiệm vụ mới được phân công, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nội dung trọng tâm đã đề ra.

Một số hình ảnh tại hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ nhất, khóa VI:

 Trung tâm Thông tin – Tuyên truyền

VCA: Phát động thi đua 90 ngày chuẩn bị tốt và tổ chức Đại hội đại biểu Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Chiều ngày 8/9, tại Hà Nội, cơ quan Liên minh HTX Việt Nam tổ chức phát động thi đua 90 ngày chuẩn bị tốt và tổ chức Đại hội đại biểu Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 do đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Liên minh HTX Việt Nam chủ trì.

Tham dự có các đồng chí Thường trực Liên minh HTX Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng; các Ban tham mưu; Trưởng Phó các đơn vị trực thuộc, cùng toàn thể cán bộ làm việc tại trụ sở cơ quan Liên minh HTX Việt Nam.

Nhằm triển khai thực hiện tốt công việc theo Kế hoạch số 416/KH-LMHTXVN ngày 19/6/2020 của Liên minh HTX Việt Nam về tổ chức Đại hội Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thường trực Liên minh HTX Việt Nam tổ chức phát động thi đua 90 ngày chuẩn bị tốt và tổ chức Đại hội đại biểu Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Liên minh HTX Việt Nam chủ trì.

Thay mặt cho Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam, đồng chí Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo biểu dương và trân trọng cảm ơn công sức miệt mài, sáng tạo của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong thời gian qua, đạt được những kết quả bước đầu trong công tác chuẩn bị đại hội các tỉnh. Đếm ngược 90 ngày chào mừng thời khắc lịch sử Đại hội, đây là đại hội ngành, có tầm cỡ, quy mô, vị trí hết sức quan trọng của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Cùng với sự phấn đấu miệt mài của chúng ta, các Bộ, ngành Trung ương đến địa phương đã ngày càng quan tâm, tạo điều kiện hơn đến khu vực KTTT, HTX.

Đồng chí Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên của cơ quan Liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị trực thuộc tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm, tình cảm, công sức của mình đóng góp sự thành công của Đại hội của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Việc tổ chức Đại hội lần này là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, trách nhiệm của cả hệ thống, đặc biệt là thành công của Đại hội Liên minh HTX Việt Nam. Đồng chí nhận định khối lượng công việc còn nhiều, đòi hỏi sự sáng tạo, tập trung cao độ của toàn thể cán bộ, công nhân viên, cùng đồng lòng, đồng sức để Đại hội thành công rực rỡ. 

Một số hình ảnh tại Lễ phát động:

Đại hội Thi đua yêu nước hệ thống Liên minh HTX Việt Nam 15/06/2020

Sáng ngày 15/6, tại trụ sở cơ quan Liên minh HTX Việt Nam, đã diễn ra Đại hội thi đua yêu nước của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam lần thứ IV.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi đua yêu nước Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Đại hộiTham dự hội nghị, về phía khách mời có đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương – Bộ Nội vụ; đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; đồng chí Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương.Về phía Liên minh HTX Việt Nam, có đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi đua yêu nước Liên minh HTX Việt Nam; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua; đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thi đua; đồng chí Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua; lãnh đạo VP, các Ban, đơn vị của Liên minh HTX Việt Nam; cùng đại biểu Liên minh HTX các tỉnh, thành phố; đại diện các HTX tiêu biểu trên cả nước.Đại hội Thi đua yêu nước hệ thống Liên minh HTX Việt Nam lần thứ IV (nhiệm kỳ 2020 – 2025) tổ chức vào thời gian các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Luật HTX năm 2012; lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Đại hội Liên minh HTX các tỉnh, thành phố và Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020 – 2025).

Trong giai đoạn 2015 – 2020, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành kịp thời, đồng bộ các quy chế, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời đổi mới tổ chức các phong trào thi đua, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của từng cá nhân, đơn vị trong toàn hệ thống.

Các tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hộiCác phong trào thi đua yêu nước hàng năm được triển khai một cách chủ động, thiết thực và có hiệu quả. Chủ đề, mục tiêu, nội dung và tiêu chí thi đua luôn được xác định gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của các tập thể, cá nhân. Đặc biệt, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động như: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.Công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng, biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến được đẩy mạnh, Liên minh HTX Việt Nam đã chủ động phối hợp cơ quan báo chí của trung ương và địa phương tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng chuyên mục Thời sự bạn của nhà nông… Năm 2016, tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu Luật HTX năm 2012” và cuộc thi “Tìm hiểu các loại mô hình HTX kiểu mới” nhân kỷ niệm 70 năm ngày HTX Việt Nam với 101.092 bài dự thi của 63 tỉnh thành phố và một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tham gia (báo viết, báo nói, báo hình, sân khấu)…

Thông qua các phong trào thi đua, Liên minh HTX Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng: 41 Huân chương Lao động; 62 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 22 Cờ thi đua của Chính phủ.

Quang cảnh tại Đại hộiBên cạnh đó, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Liên minh HTX Việt Nam đã thực hiện tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua, để kịp thời ghi nhận, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam đã tặng thưởng: 30 danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Liên minh HTX Việt Nam”; 200 Cờ thi đua cho các tập thể dẫn đầu phong trào thi đua hàng năm và nhân dịp tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, các HTX, Liên hiệp HTX; 4.316 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các phong trào thi đua; 3.934  Kỷ niệm chương  “Vì sự nghiệp phát triển HTX” cho cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong việc xây dựng và phát triển KTTT, HTX; Biểu dương, tôn vinh 91 tập thể, 74 cá nhân là thành viên HTX, Liên hiệp HTX điển hình tiên tiến.Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn, sự chỉ đạo của Thường trực Liên minh HTX Việt Nam, lãnh đạo các ban, đơn vị, Liên minh HTX cấp tỉnh và sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức, thành viên, người lao động trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, phong trào thi đua, khen thưởng của Liên minh HTX Việt Nam đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Bước sang giai đoạn 2020-2025, Hội đồng thi đua khen thưởng tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức tổ chức phong trào thi đua của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX; đẩy mạnh xây dựng hệ thống Liên minh HTX Việt Nam vững mạnh; thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên. Tập trung vào các nhiệm vụ: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng; Đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến; Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng…

Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ vừa qua Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi đua Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa tư tưởng HTX vào Việt Nam, trong cuốn Đường Kách Mệnh năm 1927. Người đã nhấn mạnh “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “ Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau, vốn nhiều, có sức mạnh thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua”,  đồng thời, nghiêm túc triển khai các chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước.Trong 5 năm qua, phong trào thi đua và công tác thi đua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều đợt thi đua có sức lan tỏa rộng, thu hút cán bộ đảng viên trong hệ thống, tạo nên sức mạnh tổng hợp, điều đó đã giúp hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thể hiện rõ vai trò của KTTT, HTX. Đại hội là dịp để chúng ta tôn vinh, biểu dương những tập thể cá nhân, tập thể trong phong trào thi đua yêu nước, nhằm khơi dậy cổ vũ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trên tinh thần tự lực tự cường.Đại hội thi đua yêu nước sẽ tạo nên khí thế mới, đẩy mạnh tinh thần lao động hăng say trong toàn hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020-2025) và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, phát triển KTTT, HTX và xây dựng hệ thông Liên minh HTX Việt Nam ngày càng vững mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.Tại Đại hội thi đua yêu nước, Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam đã tặng bằng khen cho 12 tập thể, 72 cá nhân có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ vừa qua.

Một số hình ảnh tại Đại hội:

Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thi đua phát biểu tại Đại hội

Đồng chí Phan Văn Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CETIC vinh dự nhận bằng khen Thi đua Yêu nước hệ thống Liên minh HTX Việt Nam

Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ vừa qua

Trung tâm Thông tin – Tuyên truyền