Đầu tư bảo quản để mở đầu ra cho nông sản

Sự việc ách tắc hàng hoá, nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc lại một lần nữa cho thấy khó khăn của đầu ra cho nông sản. Để giải quyết vấn đề này, việc các HTX, doanh nghiệp cần chú trọng đến sơ chế, bảo quản là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để có thể tận dụng thị trường tiềm năng như Trung Quốc.

Theo thống kê mặt hàng tồn chủ yếu (chiếm tới 80-90%) tại các cửa khẩu đường bộ phía Bắc là hàng nông sản và thủy sản. Nếu như trước đây, mỗi ngày Việt nam có khoảng 400 container hàng hóa thông quan qua mỗi cửa khẩu thì hiện nay chỉ còn 1 nửa hoặc 150-170 xe/ngày. Phía Trung Quốc cũng kiểm tra rất chặt về vấn đề Covid-19 trên bao bì sản phẩm nên hàng hóa thông quan rất chậm.

Nâng các tiêu chuẩn xuất khẩu để làm khó nông sản Việt?

Hiện nay, thời gian thông quan đang kéo dài và dự kiến lên đến 20-30 ngày tại biên giới khiến cho hầu hết hàng hóa nông, thủy sản này sẽ bị hư hỏng và dự kiến phải đổ bỏ, không còn khả năng tiêu thụ. Ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thiệt hại về tiền hàng của doanh nghiệp, HTX lên đến 2.000 tỷ đồng.

Theo TS Lê Thanh Hòa (Cục Phó Cục Chế biến-Bộ NN&PTNT), do sự khác biệt về phòng chống dịch Covid-19 giữa hai nước. Việt Nam xác định sống chung với dịch còn Trung Quốc thì zero Covid-19 nên ảnh hưởng đến vấn để xuất khẩu của Việt Nam. “Trước đây, nông sản có thể xuất khẩu cả theo hình thức đường mòn và cửa khẩu. Nhưng nay để bảo đảm phòng chống dịch, phía Trung Quốc đã đóng hết các đường mòn, cửa khẩu cũng thông quan nhỏ giọt nên vấn đề xuất khẩu nông sản thực sự khó”, ông Hòa chia sẻ.

Thêm vào đó, lao động Việt Nam sang đó làm việc chuyển hàng, tải hàng nhưng dịch bệnh, người Việt về nhiều nên Trung Quốc thiếu lao động, ảnh hưởng đến việc thông quan.

un-u-1639797544252203688746-jp-9267-3387
Xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ùn ứ làm ảnh hưởng đến giá trị nông sản và tăng chi phí cho HTX, doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, nhiều người đặt câu hỏi ngoài phòng chống dịch, có phải Trung Quốc đang nâng các tiêu chuẩn xuất khẩu để làm khó Việt Nam? Thực chất, trước đó Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam cấp mã số vùng trồng từ năm 2018 và doanh nghiệp, HTX muốn xuất khẩu phải chấp hành yêu cầu đó. Sau đó, Trung Quốc cũng yêu cầu hàng hóa của Việt Nam phải thực hiện đóng gói, bao bì theo đúng yêu cầu. Và mới đây nhất là nước này đã ban hành Luật an toàn sinh học năm 2020 và yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng một số tiêu chuẩn trong luật này.

“Trước, nông sản Việt chỉ sơ chế qua loa, đóng bằng lá chuối, đệm lót bằng chăn chiếu, nhưng sau yêu cầu phải đóng gói bằng bao bì, đệm lót phải vô trùng, không mang nguy cơ mầm bệnh. Hay như về an toàn thực phẩm, trong nông sản không được có dư lượng oxit lưu huỳnh dùng xông quả vì đây là điều cấm kỵ khi xuất sang Trung Quốc”, TS Lê Thanh Hòa, cho biết.

Theo các chuyên gia, hệ thống an toàn thực phẩm của Trung Quốc rất chặt chẽ nhưng cũng có những điều tạo thuận lợi cho Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đã chuyển hẳn bộ phận kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật sang cho hải quan. Lúc này hải quan Trung Quốc vừa đóng vai trò thông quan, vừa kiểm tra xuất nhập cảnh, vừa kiểm tra chất lượng giống như cơ quan một cửa để tạo thuận lợi cho các xe nông sản xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, cũng phải nhìn nhận đâu đó vẫn có doanh nghiệp, HTX và người nông dân thích ứng chậm nên hàng hàng hóa chưa đáp ứng chất lượng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản. “Trung Quốc đã sang khảo sát vùng trồng được cấp mã số ở Việt Nam nhưng thực tế vẫn xảy ra chuyện một xe cút kít dùng để trở phân bón nhưng người dân vẫn dùng xe đó để chở nông sản. Nông sản thu hoạch xong vẫn để trực tiếp xuống đất nên không bảo đảm được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, TS Hòa chia sẻ.

Bảo quản là cần thiết

Trước vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu như hiện nay, các chuyên gia cho rằng việc đầu tư kho lạnh, chú trọng việc sơ chế, bảo quản là cần thiết lúc này hơn là đầu tư cho chế biến. Bởi thị trường các nước ưa chuộng nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam bởi chúng có những đặc điểm riêng như thơm ngon hơn, vị đặc biệt hơn. Chẳng hạn như quả vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn vẫn được Trung Quốc ưa chuộng bởi có mùi vị đặc trưng mà ngay cả vải Trung Quốc cũng không có được. Nếu chế biến sẽ làm mất đi mùi vị đặc trưng của những loại nông sản này.

Bên cạnh đó, hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư cho chế biến như: Đồng Giao, Navifood, TH, Tân Á… nhưng có một thực tế là các nhà máy này chế biến rất đơn điệu, chỉ có một vài sản phẩm được cung cấp ra thị trường bởi do vùng nguyên liệu khó khăn. Trong đó, đầu tư cho chế biến đòi hỏi chi phí không nhỏ, doanh nghiệp, HTX khó có thể theo đuổi lâu dài. Đi liền với đó là phải có vùng nguyên liệu đủ lớn và quanh năm phục vụ chế biến thì mới mang lại hiệu quả.

Đó là những lý do vì sao nông sản của chúng ta chủ yếu xuất khẩu tươi. Và để giải quyết được khó khăn trong xuất khẩu nông sản tươi, việc quan tâm đến công tác sơ chế, bảo quản là phù hợp hơn cả, trong khi đa phần các HTX, doanh nghiệp chưa có điều kiện đầu tư cho chế biến.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cũng cho thấy, họ cũng chủ yếu chế biến những nông sản khi đã bị tác động vật lý hay quá bé còn nông sản có phẩm cấp cao thì xuất tươi vẫn có giá cao hơn. Chẳng hạn ở một số nước châu Âu, 1kg nho tươi hay táo phục vụ xuất khẩu có giá gấp 3-4 lần so với sản phẩm đã qua chế biến thành các loại nước ép.

kho-lanh-bao-quan-nong-san-3-c-2523-3049
Đầu tư cho sơ chế, kho lạnh phù hợp sẽ gia tăng thời gian bảo quản và nâng cao giá trị nông sản thay vì thu hoạch đến đâu xuất luôn đến đó.

Để đảm bảo giá trị nông sản, bà Nguyễn Thị Thành Thực (Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam), cho biết HTX, doanh nghiệp Việt cần học hỏi Trung Quốc trong khâu bảo quản nông sản. Bà Thực dẫn chứng, rau ở Việt Nam đóng hàng thì vẫn ở kho nóng, chỉ khi vận chuyển mới sử dụng xe lạnh. Nhưng ở Trung Quốc khi thu hoạch xong thì rau được để trong kho lạnh để rau khô bề mặt trên lá rau rồi mới cho vào thùng xốp. Trong thùng xốp họ để hai chai nước đông đá được bọc báo, sau đó xếp chặt rau vào thùng, cuối cùng rau được xếp lên xe được bao xung quanh bằng chăn bông hoặc vải vụn.

“Bảo quản như vậy, xe có thể chạy liên tục một tuần mà không cần đầu tư hệ thống máy lạnh, trong khi rau không hề bị thối, dập nát”, bà Thực cho biết.

Theo các chuyên gia khi nắm được các kỹ thuật và đầu tư cho sơ chế, bảo quản nông sản sẽ giúp HTX, doanh nghiệp giảm thiểu rất nhiều chi phí như thuê kho bãi, tiền thuê xe, thuê lái xe. Đặc biệt nếu xe bị ùn ứ ở các cửa khẩu như hiện nay, các chi phí còn tăng lên gấp nhiều lần trong khi nông sản lại xuống cấp và có nguy cơ phải đổ bỏ.

Ngoài phải đầu tư cho công tác bảo quản, TS Lê Thanh Hòa cho biết việc đầu tư cho hạ tầng giao thông cũng rất quan trọng. Hiện nay, đường xá chủ yếu do tư nhân đầu tư nhưng nguồn lực cũng có hạn nên Nhà nước cần vào cuộc để hệ thống giao thông nối liền với các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng.. được rút ngắn và thuận tiện cho vận chuyển nông sản.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xây dựng các khu giao hàng, các sàn giao dịch nông sản để trao đổi hàng hóa với các nước qua mạng rồi mới giao hàng thay vì cứ đưa nông sản lên xe rồi chở lên cửa khẩu như hiện nay.

Thực tế, Trung Quốc vẫn làm thị trường tiềm năng nhưng sẽ ngày càng thắt chặt các tiêu chí xuất khẩu. Nhưng thay vì coi đó là khó khăn thì HTX, doanh nghiệp Việt hãy coi đó là điều kiện để nâng cấp mình vì Trung Quốc là thị trường có rất nhiều mặt hàng từ thấp cấp, trung bình, cao cấp.

Bên cạnh đó với điều kiện địa lý thuận lợi, công tác xuất khẩu sang nước này cũng giúp HTX, doanh nghiệp giảm chi phí. Còn nếu xuất sang EU, Mỹ mỗi năm HTX, doanh nghiệp phải mất hàng trăm triệu đồng chi phí làm các chứng nhận. Doanh nghiệp, HTX nếu không có năng lực tài chính thì khó mà theo được.

Huyền Trang

Nguồn: vnbusiness.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *