Để nông sản không bị ‘ngăn sông cấm chợ’ vì… COVID -19

Hiện nay, vẫn đang xảy ra tình trạng có địa phương áp dụng quy định phòng chống dịch COVID-19 rất khắt khe nên đã không cho xe vận chuyển nông sản từ vùng có dịch đi qua dù có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh từ phía cơ quan y tế. Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ phía các bộ, ngành địa phương để nông sản được thông thương.

Chiều ngày 7/6, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp bàn tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các tỉnh.

Còn ‘ngăn sông cấm chợ’ 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, không chỉ vải thiều ở Bắc Giang mà nhiều loại trái cây đến mùa vụ như thanh long, nhãn cũng cần thị trường để tiêu thụ. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, dẫn đến việc vận chuyển hàng nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là vận chuyển, luân chuyển hàng hóa nông sản ở thị trường trong nước, ra cửa khẩu để xuất khẩu.

van-chuyen-nong-san-6802-1623056588.png
Cần thống nhất quy trình, tháo gỡ ách tắc trong khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản. 

Từ tâm dịch Bắc Giang, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ Tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) cho biết, vụ chính của vải thiều sẽ được thu hoạch vào ngày 10/6, song điều lo ngại nhất của HTX hiện nay vẫn là làm sao khâu vận chuyển được thông suốt.

Theo ông Dũng, vải thiều là mặt hàng rất khó bảo quản, xe chở hàng đi mà bị trả về thì xem như bỏ đi vì chất lượng bị giảm rất mạnh, ngay cả đưa vào lò sấy cũng không được. “Chúng tôi mong muốn các địa phương khác đừng “ngăn sông cấm chợ” với xe hàng vận chuyển vải thiều Bắc Giang, tạo điều kiện cho vải thiều được chuyển đi tiêu thụ nếu đã đảm bảo các yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch bệnh”, ông Dũng nói.

Được biết, đề nghị của đại diện HTX Hồng Xuân được đưa ra trong bối cảnh dù các lái xe đã được huyện Lục Ngạn cấp giấy thông hành để chở vải đi tiêu thụ. Tuy nhiên, đã có một số chuyến hàng từ Lục Ngạn chở vải sang tỉnh Bắc Ninh tiêu thụ vẫn bị phía Bắc Ninh không cho phép lái xe chở hàng vào, nên buộc phải quay đầu xe chở hàng về.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khó khăn nhất với tiêu thụ nông sản là vận chuyển, lưu thông nông sản giữa tỉnh với tỉnh, các chốt kiểm soát dịch COVID-19 áp dụng biện pháp đôi khi quá mức cần thiết, không cho nông sản từ địa phương khác đi qua dù có giấy chứng nhận nông sản an toàn, xác nhận xét nghiệm với lái xe. Đồng thời, các địa phương cũng phản ánh cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm cũng khiến người sản xuất gặp khó khăn.

‘Kích hoạt’ luồng xanh cho nông sản 

Theo đó, ông Toản cho biết các địa phương đề nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công Thương rà soát hoạt động vận tải đi, đến đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các Bộ cần kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc sản xuất kinh doanh. Cụ thể, yêu cầu UBND tỉnh cho phép tiêu thụ, lưu thông nông sản từ các vùng có dịch nhưng có giấy xác nhận an toàn của cơ quan y tế địa phương.

Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính giảm giá cước vận tải, phí dịch vụ tại cửa khẩu, cảng biển… Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho lái xe, cấp sổ thông hành COVID-19 cho lái xe chở hàng qua cửa khẩu biên giới. Bộ Tài chính ưu tiên tạo điều kiện thông quan nhanh nhất cho nông sản, trên tinh thần là ngăn chặn dịch bệnh nhưng “không được ngăn sông cấm chợ”.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Thủ tướng đã có chỉ đạo không được “ngăn sông cấm chợ”, tuy nhiên do mỗi địa phương nhận thức khác nhau, nên có những ứng xử không đồng nhất, dẫn đến khó khăn vận chuyển nông sản. Trong khi nông sản có tính thời điểm, mùa vụ ngắn ngày. Chậm một ngày, vừa phát sinh chi phí, vừa giảm giá trị nông sản. Do đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng các bộ, ngành cần ngồi với nhau để thống nhất quy trình vận chuyển, tháo gỡ ách tắc.

Ông Hoan cũng dẫn thông tin như Trung Quốc – họ ứng phó đại dịch, khi nông sản bị ùn ứ đã có nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn như về mở rộng thị trường, kết nối cung cầu… Đặc biệt, Trung Quốc có chủ trương kích hoạt “luồng xanh” để nông sản vận chuyển nhanh đến thị trường. 

Trước đề nghị của Bộ NN&PTNT về việc cấp sổ thông hành cho lái xe chở hàng qua biên giới, đại diện Bộ Ngoại giao cho hay, theo quy định thì chỉ được cấp cho cư dân biên giới, đây là vấn đề song phương phải được sự đồng thuận của 2 quốc gia, phải có hiệp định để điều chỉnh. Nếu cấp cho lái xe Việt Nam thì 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) cũng có quyền cấp giấy thông hành để lái xe của họ sang bên Việt Nam. Do vậy, đề nghị này cần phải bàn thảo và xem xét thêm.

Trong thời gian tới, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết sẽ có thư, công hàm trao đổi trực tiếp để phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cũng cần nắm được thông tin cụ thể của từng loại mặt hàng mà Việt Nam đang gặp khó khăn cũng như có nhu cầu xuất khẩu.

Trong khi đó, đại diện Bộ GTVT cho biết ngày 31/5, Bộ này đã có hướng dẫn chi tiết tới đơn vị vận tải để phối hợp, thực hiện biện pháp nắm bắt các nguồn hàng tại các địa phương, thực hiện các bước hướng dẫn của Bộ Y tế làm sao vận chuyển tốt nhất hàng hóa.

Liên quan tới phản ánh về khó khăn cước phí vận chuyển, Bộ GTVT cho biết đã tập hợp và đang xem xét để hỗ trợ các DN vận tải trong thời gian tới.

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Thy Lê

Nguồn: Để nông sản không bị ‘ngăn sông cấm chợ’ vì… COVID -19 (vnbusiness.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *