Làm sao để hợp tác xã không bỏ lỡ ‘chuyến tàu’ chuyển đổi số

Làm sao để hợp tác xã không bỏ lỡ ‘chuyến tàu’ chuyển đổi số

Chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng để thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, làm sao để các HTX có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Làm sao để hợp tác xã không bỏ lỡ ‘chuyến tàu’ chuyển đổi số

Đó cũng chính là nội dung chính tại Hội thảo “Phát triển HTX nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” được Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức ngày 15/10.

“Cái khó bó cái khôn”

Theo Báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, năm 2020, cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khoảng 70%. Cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm 4,8% tổng số HTX, tăng 7,2 lần so với giai đoạn 2011 – 2015.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, một số HTX đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, áp dụng hợp lý kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin vào quản lý và sản xuất. Từ đây có thể thấy, các HTX đã quan tâm đến các hoạt động đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật nói chung và công nghệ số nói riêng.

Một câu chuyênh không thể không nhắc đến đó là ngay trong mùa vải tại Bắc Giang vừa qua, tuy dịch Covid-19 đúng vào thời điểm thu hoạch nhưng nhờ thực hiện mã số hóa vùng trồng, mã cơ sở đóng gói vải thiều mà không ít HTX Bắc Giang đã tiếp cận được với khách hàng nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực (Hiệp Hội Nông nghiệp số Việt Nam) cho biết, dịch Covid-19 khiến các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản không thể qua được Việt Nam. Nhưng nhờ thực hiện số hóa vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn nắm bắt được quy trình sản xuất vải của người dân, HTX, từ đó yên tâm đặt hàng với số lượng lớn mà không phải sang trực tiếp.

DSC06149-ok-2744-1634293068.jpg
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp HTX thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu.

Tuy đạt được một số kết quả khả quan nhưng nhìn nhận khách quan có thể thấy, quá trình chuyển đổi số tại khu vực kinh tế tập thể, HTX diễn ra còn rất chậm, quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ còn đơn giản.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong số 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%, chủ yếu tập trung ứng dụng công nghệ ở tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc.

Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam tại 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, với tổng số 153 HTX và sử dụng thang đo 5 bậc cũng cho thấy: Trong hoạt động quản lý, điều hành HTX, tỷ lệ HTX sử dụng máy tính kết nối internet là 2,6/5; tỷ lệ HTX sử dụng máy tính để lưu trữ văn bản và quản lý một cách có hệ thống là 2,52/5, tỷ lệ HTX sử dụng phần mềm kế toán là 2,85/5, tỷ lệ HTX sử dụng điện thoại để quản lý, điều hành là 2,5/5.

Còn trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, tỷ lệ thành viên HTX sử dụng Zalo, Facebook cá nhân để quảng cáo, bán hàng là 2,52/5; tỷ lệ HTX tham gia các trang thương mại điện tử là 2,05/5; tỷ lệ HTX thực hiện thanh toán điện tử chỉ có 1,96/5 và tỷ lệ HTX sử dụng phần mềm quản lý kho chỉ chiếm 1,88/5.

Có thể thấy, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành HTX chỉ ở mức cơ bản. Tỷ lệ HTX chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho đầu ra nông sản còn chưa được quan tâm. Hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin của HTX còn chưa đa dạng, chủ yếu là sử dụng các trang mạng xã hội (đơn giản, chi phí thấp).

PGS. TS Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, HTX nông nghiệp số Việt Nam cho biết, thực tế đã có những HTX mạnh dạn đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao và đạt được những hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, việc mới có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh đến thời điểm hiện nay là vẫn còn khiêm tốn.

Thừa nhận vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được HTX chú trọng.

“Điều này khiến các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan (như cơ quan quản lý nhà nước, khách hàng, doanh nghiệp…) đến hệ sinh thái”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do việc thực hiện chuyển đổi số đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nguồn kinh phí của HTX có hạn. Chẳng hạn việc đầu tư một hệ thống máy ozone kết hợp xử lý nước thải trong nuôi tôm có giá trên 1 tỷ đồng (tùy diện tích sản xuất). Hay việc đầu tư khoảng 3000m2 nhà kính có gắn hệ thống cảm biến thông minh cũng có chi phí trung bình khoảng 1,7 tỷ đồng. Trong khi để đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ cao, các HTX phải huy động vốn từ nhiều nguồn, nhưng hầu hết các HTX không thể vay vốn tín dụng, không đảm bảo được các điều kiện tín dụng tài sản thế chấp; phương án kinh doanh… Khoảng 4,35% HTX tổ chức hoạt động tín dụng nội bộ, cho thành viên vay vốn, chủ yếu theo hình thức tín chấp.

Bên cạnh khó khăn về tài chính, nhiều HTX còn sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Đây chính là rào cản trong phát triển các HTX nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số.

Hiệu quả từ “mua chung, bán chung”

Là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 65% dân cư, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số là một điều vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy các HTX nói riêng, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Công nghệ số giúp các HTX quản lý thời gian, giảm sử dụng nước và hóa chất, sản xuất các loại cây trồng có năng suất cao, đem lại lợi nhuận cho nông dân, bảo tồn tài nguyên, đồng thời giảm tác động từ phân bón hóa học. Do đó, cần có những giải pháp ứng dụng thích hợp để đưa công nghệ số thực sự là một trong những nhân tố thúc đẩy HTX và nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, nông dân sản xuất quy mô nhỏ, HTX sản xuất quy mô nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Đây chính là những đối tượng cần được hỗ trợ chuyển đổi số để đưa sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường.

Để giải quyết khó khăn về vốn, theo các chuyên gia, HTX nên thực hiện chuyển đổi số theo hình “mua chung, bán chung” để hạn chế chi phí. Chẳng hạn việc mua các loại máy móc lên tới hàng tỷ đồng thì một HTX khó có thể làm được, nhưng việc liên kết nhiều HTX trên cùng một xã, một huyện có thể giải quyết điều này.

PGS. TS Phạm Quang Hà cho biết nếu một chiếc máy phun thuốc trừ sâu không có người lái có giá hàng trăm triệu đồng, một HTX mua về cũng chỉ dùng khi vào vụ thu hoạch. Nhưng nếu liên kết với HTX khác ở trong và ngoài tỉnh có thể giúp giảm chi phí, lại nâng cao được giá trị của loại máy này.

DSC06151-ok-6406-1634293068.jpg
Hội thảo “Phát triển HTX nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thành Thực đã dẫn chứng về mô hình sản xuất của HTX heo rừng Tây Nguyên (Đăk Lăk). Bà Thực cho biết, ban đầu rất nhiều hộ dân trong cùng tỉnh có kinh nghiệm nuôi heo rừng nhưng để liên kết chăn nuôi tập trung theo mô hình HTX sẽ khó khăn vì mỗi hộ một nơi. Tuy nhiên, khi ứng dụng nền tảng công nghệ số tích hợp truy xuất nguồn gốc, người dân, cán bộ quản lý, doanh nghiệp có thể liên kết với nhau thông qua ứng dụng điện tử. Các hộ có thể sản xuất ở nhiều địa bàn khác nhau mà không lo bị giả mạo hàng hóa.

“Việc này sẽ giúp HTX tiết giảm các chi phí sản xuất, kết nối thị trường thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, công tác giám sát của cơ quan nhà nước cũng được thực hiện trực tiếp, giúp minh bạch thông tin”, bà Thực chia sẻ.

Ngoài việc “mua chung, bán chung”, một giải pháp được các chuyên gia đưa ra là cần có những ứng dụng công nghệ, các app hỗ trợ sản xuất thông minh phù hợp, tiết giảm chi phí để phù hợp với nhu cầu của các HTX, nhất là khi hiện nay, phần lớn cán bộ, thành viên HTX là người lớn tuổi.

“Chỉ tính riêng việc thuê tên miền để làm trang web, mỗi năm, HTX phải chi trả hàng triệu đồng. Hay đơn giản là việc thành lập một fanpage cũng khiến HTX phải đầu tư tiền triệu, thậm chí là cả chục triệu đồng. Đây là chi phí khá lớn với các HTX nông nghiệp hiện nay”, bà Thực cho biết.

Trước chia sẻ của các chuyên gia, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp được xác định là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số. Các HTX nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung lúc này sẽ không thể đặt trong bối cảnh đơn lẻ, đứng một mình mà phải nằm trong cấu trúc chung của nền kinh tế số, để đồng tốc với sự phát triển chung của công nghiệp 4.0.

Để làm được điều này, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị, Oxfam trong thời gian tới cần tích cực hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực tại các HTX nông nghiệp; hỗ trợ hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các HTX nông nghiệp.

Đi cùng với đó là hỗ trợ HTX sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số và thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Đề nghị Oxfam cùng với Liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị thiết kế xây dựng Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực HTX Việt Nam để huy động tài chính từ các tổ chức và quỹ quốc tế tổ chức triển khai thực hiện đề án này”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Huyền Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *