Sức mua giảm sâu, kích cầu ra sao?

Thu nhập giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đa phần người tiêu dùng trong nước phải cắt giảm chi tiêu, thắt chặt hầu bao. Rõ ràng, muốn phục hồi kinh tế thì một trong những việc cần làm là kích cầu sức mua ở thị trường nội địa, đây cũng là “liều thuốc” giúp nhiều ngành kinh tế trong nước bật dậy nhanh nhất.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong trong tháng 10 năm 2021 tăng 18,5% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm khá sâu bởi lâu nay thị trường nội địa của Việt Nam với gần 100 triệu dân, sức mua tăng trưởng mạnh luôn là yếu tố hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.

Khi người tiêu dùng ‘thắt chặt’ hầu bao

Du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Hai năm qua, để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp trong ngành này phải chắt chiu từng đồng, chuyển hướng sang các lĩnh vực khác.

kich-cau-tieu-dung-7375-1636361508.jpg
Thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 năm 2021 giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, cho biết đến giờ phút này thị trường chưa khởi động trở lại, điều đó đồng nghĩa hoạt động du lịch vẫn đóng băng. Doanh nghiệp suy giảm hơn 90% doanh thu so với thời kỳ trước dịch.

“Để cầm cự qua ngày, chúng tôi chuyển sang cung cấp một số dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn, dịch vụ thương mại như tư vấn làm thủ tục visa, gói cách ly… Nhu cầu du lịch thông thường chưa có”, ông Hoan nói.

Về kế hoạch phục hồi, lãnh đạo Flamingo Redtours cho hay, ngay từ khi dịch xảy ra, doanh nghiệp đã lên kế hoạch như mở cửa một phần hoặc toàn bộ thì doanh nghiệp sẽ “bật dậy” ra sao. Có thể nói chúng tôi luôn sẵn sàng để trở lại hoạt động trong ngành du lịch bất cứ khi nào.

Tuy nhiên, ông Hoan băn khoăn, yếu tố quan trọng nhất để thị trường phục hồi là người dân phải có nhu cầu đi du lịch. Hiện nay, dịch COVID-19 khiến thu nhập của nhiều người bị suy giảm mạnh, nhu cầu trong ngành du lịch giảm mạnh. Do vậy, Chính phủ cần có gói kích thích kinh tế để giúp người dân cải thiện mức thu nhập, gia tăng chi tiêu, từ đó doanh nghiệp cũng được “cứu sống”.

“Khi kinh tế phát triển, nhu cầu giao thương đi lại, tiêu dùng tăng cao hơn, các khu vực kinh tế khác tăng tốc thì dịch vụ du lịch sẽ phát triển. Du lịch là ngành dịch vụ nên chỉ khi nào thu nhập người dân cải thiện, mức sống tăng cao, thì chúng tôi mới trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới”, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours nhấn mạnh.

Không chỉ doanh thu du lịch suy giảm mà mức chi tiêu cho việc mua sắm của người dân cũng giảm rõ rệt, một phần đến từ xu hướng đơn giản và tiết kiệm, một phần do ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch COVID-19.

Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, hộ gia đình có thu nhập 6 triệu đồng trở xuống bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh; nhóm có thu nhập từ 8 – 20 triệu đồng cũng buộc phải điều chỉnh chi tiêu, chuyển từ các sản phẩm cao cấp sang sử dụng các mặt hàng bình dân hơn, chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm, thức uống; nhóm thu nhập cao cũng thể hiện việc giảm mức chi tiêu cho các mặt hàng cao cấp thuộc nhóm không thiết yếu.

Lý giải thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh trong 10 tháng qua, Bộ Công Thương nhìn nhận nguyên nhân trực tiếp là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như TP.Hà Nội, TP. HCM Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50 – 60% của cả nước) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cần có kế hoạch kích cầu

Rõ ràng trong bối cảnh này, Chính phủ cần có những giải pháp để kích cầu sức tiêu dùng trong nước thông qua các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đánh giá thời gian qua Việt Nam đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN với mục tiêu chủ yếu là tập trung vào hỗ trợ người lao động, hỗ trợ các DN thông qua việc miễn, giảm, giãn hoãn các loại thuế, phí…

Tuy nhiên, ngoài những chính sách nêu trên, ông Nam cho rằng Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện một số nhóm biện pháp cấp bách trong thời gian tới để ngăn chặn suy giảm và kích thích phục hồi kinh tế. Trong đó, việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cấp thiết tại thời điểm hết sức có ý nghĩa và quan trọng, để tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động, qua đó tạo nên sức mua cho hàng hoá Việt Nam trong bối cảnh tổng cầu và tổng cung đều giảm.

Theo đó, ông Tô Hoài Nam đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các chương trình, dự án và mua sắm ưu tiên sử dụng các vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu được sản xuất trong nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các chương trình, dự án và mua sắm công.

Riêng về ngành du lịch, GS.TS. Đỗ Nguyên Khoát, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khuyến nghị cần tăng cường các chuyến bay nội địa và tàu hỏa đến các điểm du lịch chính. Việc này vừa giúp vực dậy ngành giao thông – mạch máu của nền kinh tế vừa tạo điều kiện thúc đẩy ngành du lịch nội địa khôi phục.

Nguyên tắc cơ bản của chương trình kích cầu là bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá các dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả du khách có điều kiện đi du lịch, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ; tăng thêm dịch vụ bổ sung nhưng không tăng giá để bảo đảm hấp dẫn cho du khách. Ngoài chuyện giảm giá, làm phong phú lịch trình tour du lịch, thì mảng ẩm thực cần được hết sức lưu tâm.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân giữa các địa phương. Đồng thời, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; Tiếp tục triển khai các chương trình, Đề án và Chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Anh-chup-Man-hinh-2021-11-08-l-8564-5399PGS.TS. Bùi Quang TuấnViện trưởng Viện Kinh tế Việt NamChúng ta cần phát huy các động lực của các trụ cột của tăng trưởng kinh tế, trong đó đặc biệt là xuất khẩu, đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa. Xem xét các hình thức kích cầu tiêu dùng thông qua các công cụ lãi suất và tín dụng. Đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực, ngành hàng. Đồng thời cần khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách hộ chiếu vắc xin cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 để nhanh chóng thí điểm phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế.Anh-chup-Man-hinh-2021-11-08-l-6490-3387PGS.TS. Ngô Trí LongNguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)Để kích cầu tiêu dùng sẽ có hai chính sách là chi tiền trực tiếp cho người dân và xem xét lại việc giảm các chính sách thuế, phí cho doanh nghiệp để kéo giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và giảm giá bán. Đơn cử như giảm thuế giá trị gia tăng cho nhiều loại hàng hóa để khuyến khích sức mua. Trong bối cảnh hiện nay, tổng cầu trong nước là quan trọng để góp phần gia tăng lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi để người dân quay trở lại làm việc trong các doanh nghiệp, từ đó có nguồn thu nhập trở lại và sẽ gia tăng chi tiêu. Anh-chup-Man-hinh-2021-11-08-l-9417-9767Bà Nguyễn Thị Kim DungGiám đốc Siêu thị Co.opmart Hà NộiĐể kích cầu tiêu dùng, chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng các nhà cung cấp thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá cho các mặt hàng tươi sống, hàng thiết yếu, hàng phòng dịch…, sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được do dịch bệnh. Thời gian qua, thời điểm căng thẳng của dịch bệnh khiến chi phí gia tăng, lợi nhuận rất thấp nhưng chúng tôi vẫn chọn giải pháp cùng đóng góp cho xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng để nuôi dưỡng “bầu oxy” trong tương lai tốt hơn.

Lê Thúy

Nguồn: vnbusiness.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *