Xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều phối nông sản

Chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và TP. Hà Nội đặt mục tiêu giúp Thủ đô trở thành trung tâm kết nối, điều phối nông sản gắn kết bền vững với các địa phương.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (phải) và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam (phải) và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến với 33 tỉnh, thành phố góp ý Dự thảo Chương trình “Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành giai đoạn 2021-2025”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, từ năm 2015, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ Hà Nội triển khai Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn trong toàn quốc giai đoạn 2015 – 2020, thông qua Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau thịt an toàn cho Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.

Kết quả sau 5 năm thực hiện, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã kết nối sản xuất, quản lý chất lượng chủ động, tích cực hơn; xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (chiếm 48% của cả nước); Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 141 chuỗi (trong đó có 56 chuỗi sản phẩn động vật và 85 chuỗi sản phẩm thực vật).

Đặc biệt, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với 45 tỉnh, thành phố (1.130 cơ sở) của cả nước để cung cấp cho Hà Nội trung bình trong 1 tháng trên 92.000 tấn rau, củ, trái cây, trên 13.000 tấn thịt gia súc gia cầm; hơn 31 triệu quả trứng; hơn 11 tấn thủy sản và gần 233 tấn gạo, nông sản thực phẩm khác.

Qua đó, góp phần đảm bảo nhu cầu thực phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội, góp phần cho thành quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ảnh: Phạm Hiếu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Kết nối giao thương 33 tỉnh, thành

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, hiện khả năng sản xuất nông nghiệp của Thành phố mới chỉ đáp ứng được từ 30-65% nhu cầu sử dụng cho hơn 10 triệu người dân. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các địa phương và nhập khẩu nên rất cần sự hợp tác, liên kết giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt vào mỗi dịp lễ Tết.

“Thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm giảm sức tiêu thụ mặt hàng thực phẩm của thành phố. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy những sản phẩm đáp ứng được chất lượng ATTP đều dễ dàng tiêu thụ, thậm chí thiếu hụt, không đủ để bán”, bà Phương Lan chia sẻ.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, Sở Công thương Hà Nội sẵn sàng kết nối giao thương với 33 địa phương cũng như kết nối trực tiếp với các vùng sản xuất để có thể nắm bắt được nhu cầu và chất lượng sản phẩm của các tỉnh. Từ đó, hệ thống phân phối của Hà Nội sẽ có đơn đặt hàng từng sản phẩm tới từng địa phương, từng doanh nghiệp để đảm bảo chuỗi sản xuất tiêu thụ bền vững.

Đưa ra đề xuất, bà Lan cho rằng, Chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và TP. Hà Nội cần xây dựng tiêu chuẩn về ATTP cho các chuỗi. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cần đáp ứng được những tiêu chuẩn đó. Từ đó chất lượng của các chuỗi cũng ứng cũng được nâng cao hơn.

Ngoài ra, Hà Nội cần đa dạng hóa kênh phân phối để các doanh nghiệp có thể chủ động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm an toàn. Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến những kênh phân phối truyền thống nên thời gian tới Thành phố cần chuyển đổi linh hoạt các hình thức kết nối sang các kênh thương mại điện tử.

Nguồn: Xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều phối nông sản (nongnghiep.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *