Xuất khẩu nhìn từ câu chuyện ‘giải cứu’ nông sản

Tập trung “giải cứu” nông sản để đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa là rất khuyến khích nhưng chúng ta cũng không được quên nhiệm vụ đảm bảo tiến độ xuất khẩu, tổ chức sản xuất để thực hiện “luật chơi” khi tham gia xuất khẩu…

Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân ở TP. Hà Nội, TP.HCM đã tình nguyện kết nối với bà con nông dân ở tâm dịch Hải Dương để tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản bị “mắc kẹt”, có nguy cơ phải đổ bỏ do quá vụ thu hoạch.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Chuyên gia Nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá đây là hành động rất đáng quý của người dân, thể hiện tinh thần đồng bào tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. 

– Ông có bình luận gì về cuộc giải cứu nông sản ở tỉnh Hải Dương đang diễn ra trong những ngày qua?

Giải cứu lần này đúng bằng tình yêu, con người, nghĩa đồng bào chứ không phải cung vượt cầu nên đặc tính khác với giải cứu lần trước. Các tổ chức, cá nhân tổ chức giải cứu trên quy mô lớn, người tiêu dùng nhiệt tình ủng hộ.

“Nút thắt” của nông sản Hải Dương vừa qua đó chính là khâu vận chuyển, bao gồm người lái xe, phương tiện, quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Người lái xe thì hiệu lực của xét nghiệm virus SARS-CoV-2 chỉ trong 3 ngày quá ngắn. Trong khi mỗi một chuyến xe mất nhiều thời gian, điều này đã cản trở việc vận chuyển.

Đồng thời, một số địa phương lân cận đã đưa ra quy định bất hợp lý, thậm chí có tư tưởng “ngăn sông cấm chợ” với nông sản Hải Dương.

Tôi cho rằng Bộ Y tế, Chính phủ cần phải nhanh chóng vào cuộc để đưa ra quy định chung, thống nhất về vấn đề này để đảm bảo làm sao khâu xét nghiệm phải được thực hiện nhanh, các tỉnh thống nhất chung quy trình về tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, “giải cứu” nông sản để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa là rất khuyến khích nhưng chúng ta cũng không được quên việc đảm bảo tiến độ xuất khẩu.

Theo đó, các giải pháp đưa ra cũng cần phải ưu tiên cho việc vận chuyển hàng nông sản phục vụ xuất khẩu, đúng tiến độ, đúng cam kết chất lượng.

Ưu tiên cho đầu ra xuất khẩu là những cái lớn mà mình phải quan tâm. Chứ cứ mải mê quan tâm nội địa, mà không quan tâm xuất khẩu thì chúng ta sẽ mất thị trường rất lâu dài. Vừa qua, có thông tin 1.000 tấn nông sản vẫn nằm chờ ở cảng để xuất khẩu là rất đáng lo.

Nhà nước cần nhanh chóng ưu tiên cho hàng của Hải Dương xuất khẩu đi nước ngoài để thực hiện các cam kết hợp đồng đã ký, nếu không nhanh thì chi phí bảo quản cao, mất uy tín, bị phạt, mất thị trường trong những năm tiếp theo.

– Ông vừa đề cập tới xuất khẩu nông nghiệp, năm nay nhiệm vụ của ngành nông nghiệp đặt ra đạt trên 40 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn này, liệu rằng mục tiêu này có khả thi không thưa ông?

Tôi cho rằng con số này vẫn có thể đạt được. Cụ thể với ngành lúa gạo vẫn đang có nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường nhập khẩu. Nếu mình sản xuất ổn định, dư thừa 41 triệu tấn lúa, thì khả năng xuất khẩu từ 5,5-6 triệu tấn gạo là đạt được. Vì thế giới cần mua 42 triệu tấn gạo để dự trữ.

Tuy nhiên, với ngành lúa gạo chúng ta cũng cần phải lưu ý là vừa qua Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo dẻo, gạo thơm, gạo nếp để thu về giá trị cao hơn nhưng xu thế lại chuyển hướng mua của Ấn Độ nên cạnh tranh về giá sẽ khốc liệt hơn. Dù vậy, tôi vẫn có niềm tin năm nay ngành lúa gạo vẫn đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ, thủy sản cũng đang có triển vọng tương đối tốt. Hy vọng tới tháng 3 – tháng 4 khi mà dịch COVID-19 được khống chế một phần nào đó thì hoạt động giao thương trong xuất khẩu nông sản sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, tiến tới cán đích 41 – 44 tỷ USD trong năm nay.

– Hiện nay, nhiều nước lấy lý do dịch bệnh để đưa thêm các rào cản kỹ thuật. Đây chắc chắn sẽ tạo thêm rất nhiều áp lực cho xuất khẩu của Việt Nam, thưa ông?

Tư duy của cơ quan quản lý, người sản xuất khi hội nhập thì phải chấp nhận cuộc chơi của thế giới, của khách hàng. Quyền quyết định, quy định về chất lượng là của đơn vị đặt hàng, người ta có quyền đặt ra tiêu chuẩn người ta. Vì vậy, chúng ta không thể coi đó là cái khó mà đã là luật chơi thì cần cố gắng.

Để chủ động thì phải minh bạch trong khâu tài chính, truy xuất nguồn gốc. Rào cản kỹ thuật chủ yếu là truy xuất mã vùng, mã thửa. Hiện nay, chúng ta quá yếu về vấn đề này. Điều này cần phải được nhanh chóng giải quyết.

Mặt khác, về các quy định đưa ra để đáp ứng phòng chống COVID-19 thì Việt Nam cũng cần chủ động để đáp ứng như câu chuyện của Hải Dương mà tôi đã đề cập.

Vấn đề mở thị trường, tìm thị trường, bạn hàng sau đó ổn định sản xuất, đáp ứng yêu cầu là nhiệm vụ trong thời gian tới. Chính chúng ta phải tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu.

– Quay trở lại câu chuyện “giải cứu”. Những ngày gần đây, nông sản ở nhiều địa phương trên cả nước rơi tình cảnh ế ẩm, rớt giá. Có cách gì để chấm dứt tình cảnh này, để người Việt Nam thực sự hào hứng tiêu thụ nông sản Việt Nam?

Tôi cho rằng, điều này vẫn nằm ở việc tổ chức sản xuất, làm sao trước khi gieo hạt thì phải có đơn đặt hàng của các đơn vị bao tiêu thay vì chờ tới vụ rồi phụ thuộc vào thương lái.

Ở các vùng sản xuất lớn, cần thành lập cơ quan chuyên môn để có thể quản lý điều phối các HTX thành viên, tạo thành sức mạnh sản xuất quy mô lớn để tiếp cận thị trường, không triệt tiêu động lực của nhau.

Theo tôi, trước hết ở các tỉnh, thành như: Hải Dương, Bắc Ninh, TP. Hà Nội… nơi có vùng nguyên liệu, hàng hoá lớn nên áp dụng điều này. Có thể lấy kinh nghiệm xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn của tỉnh Sơn La làm bài học.

– Xin cảm ơn ông!

Lê Thuý thực hiện

Nguồn: Xuất khẩu nhìn từ câu chuyện ‘giải cứu’ nông sản (vnbusiness.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *